Thứ hai, 14 Tháng 10 2024
Trang chủ Tập san văn nghệ

Mạng giáo dục VNedu

Cổng dịch vụ công tỉnh Đồng Tháp

Kỳ thi HSG năm 2015-2016

Website các trường ĐH, CĐ

Website liên kết

THỐNG KÊ

mod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_counter
mod_vvisit_counterHôm nay2054

Hiện tại: 54 khách, 2 bots 
Tập san văn nghệ


NHỊP CẦU MÙA XUÂN PDF. In Email
Thứ bảy, 20 Tháng 2 2021 13:29

 

NHỊP CẦU MÙA XUÂN

                                                    Ngọc Điệp

Cây cầu bắc ngang con kênh nhỏ nằm thoi loi ở giữa nội đồng, nối liền một bên là đám rẫy bắp xanh mượt của nhà hàng xóm, và một bên là mảnh vườn nhỏ xum xuê của ba tôi.

Nó chỉ là một cây cầu khỉ cheo leo với cái tay vịn chông chênh làm bằng những thân cây bạch đàn con ghép lại. Mỗi bận thăm vườn đi qua cây cầu này, tuy bước chân vẫn vững chãi nhưng tôi vẫn có cái cảm giác hơi e dè khi cúi nhìn xuống dòng nước trong xanh leo lẻo bên dưới. Có lẽ cái mặc cảm “qua cầu khỉ” làm cho mình không an tâm, chứ thực ra đối với dân gốc ruộng như chúng tôi, cũng khó để mà “bị” rớt xuống mương khi đi cầu khỉ lắm !

Vậy nhưng, cây cầu khỉ ấy có tuổi thọ cũng khá là cao đấy chứ! Và nó đã thu hút hầu hết tụi trẻ con trong xóm tôi. Vào mùa hè, chiều nào lũ trẻ cũng tụ tập rủ nhau tung tăng chạy tuốt ra phía cuối cánh đồng, cốt chỉ để bước qua bước lại cây cầu khỉ chơi. Lúc đầu, có lẽ chỉ để thử cho biết cái cảm giác “đi cầu khỉ” nó như thế nào, nên có đứa chỉ bò qua chứ không dám đi, run rẩy từng bước trong sự cổ vũ của cả bọn. Dần dần quen chân, các cô cậu thậm chí còn “chạy” nhanh qua nữa! Lâu dần, tụi nhỏ ra đây có khi chỉ ngồi túm tụm chơi ngay giữa cầu, ngửa cổ nhìn trời nước bao la mà chuyện trò rôm rả. Có khi, gặp buổi con nước lớn đầy, mấy đứa con trai còn cởi trần phóng xuống mương nước trong xanh mà tắm táp mát mẻ.

Nhưng, trải qua nhiều mùa mưa nắng, những thân cây bạch đàn cũ kỹ đã bắt đầu mục ruỗng, yếu dần. Cái tay vịn rớt xuống, ba tôi đã mấy lần buộc đóng lại. Mấy cái đoạn thân cầu bị gãy cũng được thay bằng cây mới. Bọn trẻ bắt đầu ngần ngại, thưa dần dắt díu nhau ra cầu khỉ chơi. Mỗi khi đi vườn đốn buồng chuối, hay thu hoạch xoài, hái bầu bí… chúng tôi cũng phải thận trọng hơn khi đi qua cây cầu khỉ này.

Và, ba tôi quyết định thay nó bằng một cây cầu mới vào dịp cận Tết năm nay. Chỉ trong vòng vài ngày, nó đã lột xác thành một cây cầu mới vững chãi và đẹp đẽ làm sao! Không còn tay vịn, mà thay vào đó là khối bê tông chắc chắn, rộng rãi và phẳng phiu với hai cái móng vững chắc ở hai bên bờ mương. Hơn cả mong đợi của bọn trẻ, giờ đây chúng có thể tụ tập cùng nhau nằm dài hay ngồi xổm trò chuyện thoải mái ngay giữa cầu, chứ nói gì đến việc nơm nớp sợ cầu gãy như lúc trước. Ở sâu tuốt trong nội đồng, giữa bốn bề ruộng rẫy thênh thang, cây cầu bê tông này tuy nhỏ nhưng nó thật là an toàn và có phần “sang chảnh” làm sao!

Bây giờ, mỗi bận đi thăm vườn, cả nhà tôi đều cảm thấy thoải mái và dễ chịu lắm. Cây trái thu hoạch cũng được vận chuyển dễ dàng. Mỗi bận bước đi trên cây cầu mới, ai cũng thật thong dong, có thể vừa đi vừa thảnh thơi nhìn ngắm những bóng mây in hình dưới đáy nước trong vắt. Thế nhưng, bất chợt tôi lại nghe bọn trẻ ngồi chơi ở đầu cầu đang tỏ ra tiếc rẻ: “Nhớ cây cầu khỉ hồi năm ngoái, hén tụi bây!”. Rồi đứa khác lại nói: “Giờ qua cầu, đâu còn đứa nào run sợ nữa đâu mà chọc quê, hén!”. Cả bọn đều ngẩn ngơ ra vẻ tiếc nuối. Chợt một đứa con gái nhỏ lên tiếng phá tan bầu không khí im ắng: “Nhưng cây cầu mới này chắc chắn hơn nè, em chạy đi thả diều không sợ bị hụt chân té!”. Thế là, bọn nhỏ chuyển ngay sang bàn tán về mùa thả diều năm nay. Có lẽ cây cầu mới cũng rất vui vì nó được bọn nhỏ tin tưởng để đảm nhận thêm một nhiệm vụ mới nữa.

Vừa được hình thành trong mùa xuân này, cây cầu mới giống như một nhịp cầu mùa xuân sẽ nối thêm những bờ vui cho mọi người. Nhưng chắc chắn trong lòng ai cũng sẽ không quên cây cầu khỉ xưa cũ của của năm nào, bởi nó chính là nền tảng ban đầu cho cây cầu mới được khai sinh hôm nay. Vẫn sẽ còn nhớ nhiều lắm đấy, cầu khỉ ơi!


 
KHU VƯỜN MÙA XUÂN PDF. In Email
Chủ nhật, 14 Tháng 2 2021 20:46

 

KHU VƯỜN MÙA XUÂN

                               Bùi Đình Tân, lớp 6A8, trường THCS Thị trấn Mỹ Thọ

Thường thường, vào những ngày cuối tuần, Ba tôi hay chở tôi đến vườn của Dượng Hai chơi. Vườn ở xã Mỹ Hội, không xa lắm so với nhà tôi, cho nên tôi rất thích. Hôm nay cũng vậy, từ sáng sớm Ba đã gọi tôi dậy: Tân ơi, đi vườn Dượng Hai chơi con!

Khỏi phải nói tôi háo hức và thú vị như thế nào. Con đường thôn quê yên ắng và dài ngoằn ngoèo hệt như một chú rắn khổng lồ, tưởng như xa tít tắp đến tận chân trời nhưng thực ra, chỉ đi một chốc thì đã đến khu vườn sinh thái của Dượng Hai tôi.

Vừa đến nơi, thứ đầu tiên đập vào mắt tôi là một cái tum dạng nhà thuỷ tạ bằng gỗ nhìn có vẻ cũ kỹ và cổ kính, nghiễm nhiên ngự ở chính giữa khu vườn. Phía bên dưới là hồ cá khá to, nước trong vắt với cơ man nào là những chú cá mập mạp đang tung tăng bơi lội. Khi tôi vừa bước chân đến cạnh hồ cá thì đã gặp ngay hai chú ngỗng to tướng với bộ lông trắng mềm. Nhìn thấy tôi, chúng liền nghểnh cổ, vỗ đôi cánh, liên tục kêu to “cà…kiết” như thông báo cho Dượng Hai tôi biết có khách đến! Rồi thì chúng lặng lẽ rời đi, như ngầm để cho tôi được thoải mái thưởng thức cảnh vật nơi đây.

Tôi liền nhảy thót lên cái tum mát mẻ có những cái cột gỗ vàng óng. Dượng Hai tôi đang ngồi trên chiếc võng cũ, mừng rỡ khi thấy cha con tôi. Tôi khoanh tay thưa Dượng Hai, Dượng vui cười xoa đầu tôi rồi quay qua bưng khệ nệ đưa cho tôi một cái thau nhỏ đựng thức ăn cho cá. Có lẽ Dượng Hai biết tôi rất thích cho cá ăn nên đã chuẩn bị từ trước. Tôi mừng rỡ cảm ơn Dượng Hai rồi bưng cái thau đến ngồi lên cái lan can tum để cho cá ăn. Chỉ thoáng nhìn xuống nước tôi cũng đủ biết lũ cá háu ăn kia đang rất đói, vì chúng cứ bơi lảng vảng lên phía trên gần mặt nước để tìm kiếm những con bọ gậy hay nhện nước để làm “điểm tâm” sáng. Tôi bắt đầu rải những viên bi màu nâu vàng xuống, lũ cá liền nhanh như chớp bơi lại tranh giành nhau những miếng mồi thơm ngon. Cá tra, cá tai tượng, cá chim trắng… quẫy đuôi khoe những sắc màu lấp lánh. Chẳng mấy chốc mà chúng đã thanh toán xong thau thức ăn bằng những màn biểu diễn nhảy múa thật điêu luyện.

Tôi mang cái thau rỗng đem cất rồi cùng Dượng Hai và Ba ra ngoài vườn tham quan, sau khi không quên ghé qua cái lu nước kề bên múc nước rửa tay bằng cái gáo dừa có cán dài. Khu vườn đồng quê trải ra trước mắt, yên tĩnh và xum xuê cây trái. Làn gió xuân nhè nhẹ thổi qua làm tôi nghe da mặt mình mát rượi. Dượng Hai tôi trồng nhiều loại cây ăn trái như: xoài, mít, bơ, vú sữa, bưởi… Mỗi loài cây với mỗi hình dáng thân lá, hoa trái khác nhau rất đa dạng và thú vị. Những quả xoài cát hoà lộc ửng vàng trên cây chỉ nhìn thôi đã nghe vị ngọt thanh đầu lưỡi rồi. Những trái bưởi tròn to như quả bóng mà tụi tôi hay chơi đá banh. Cây khế sai lúc lỉu làm tôi liên tưởng đến sự tích “ăn khế trả vàng”… Dạo một vòng đến gần cuối khu vườn thì tôi gặp một cây cầu khỉ dẫn qua cái “bãi cồn” trông thật lạ!

Quyết định khám phá cái “bãi cồn” đó, tôi rón rén từng bước trên cây cầu khỉ làm bằng những thanh tre nhỏ. Rồi, tôi cũng qua tới được cái “hòn đảo tí hon” này. Ở đây dường như không có gì đặc sắc ngoài “đặc sản của mùa xuân”: hoa mai. Dượng Hai tôi trồng rất nhiều mai ở đây, và bây giờ đang vào dịp Tết nên chúng thi nhau trổ bông vàng rực rỡ, nhìn giống như có hàng vạn chú bướm vàng đang đậu nhởn nhơ trên những thân cành mai rắn chắc vậy. Tôi đứng ngắm mãi vườn mai đẹp tràn đầy không khí mùa xuân, lòng mong sao những mùa xuân yên vui, hạnh phúc và bình yên sẽ mãi ở lại trong khu vườn của Dượng Hai tôi như vầy.

Trước khi quyến luyến rời khỏi “bãi cồn”, tôi còn cố ngoảnh lại nhìn khu vườn mùa xuân lần cuối. Sở dĩ tất cả các loài cây ở đây quanh năm xum xuê, tươi tốt là nhờ công chăm sóc tảo tần của Dượng Hai tôi - một người làm vườn tận tâm và đầy nhẫn nại. Dượng giống như người cha hiền lành của vô vàn những đứa con tinh thần ở đây, mỗi một thân cây đều được Dượng nuôi nấng, tỉa tót, vun xới bao ngày, chẳng khác gì cha chăm con vậy! Nhờ miệt mài lao động bao năm qua, giờ đây Dượng Hai đã sở hữu một khu vườn xum xuê phong phú hoa thơm trái ngọt, những tán cây xoè như chiếc quạt làm xanh mát cả một góc trời, thật thú vị làm sao!

Chúng tôi quay trở lại cái hồ thuỷ tạ ban nãy và cùng ngồi uống nước trà. Dượng Hai đưa cho tôi một tách trà nóng hổi, tôi cũng bắt chước người lớn, nhâm nhi từng ngụm trà, hưởng một chút gió xuân và đưa mắt ngắm nhìn đàn cá bơi lượn tung tăng dưới hồ. Ngó ra xa xa, cảnh sắc mùa xuân tuyệt đẹp của khu vườn như căng tràn sức sống, làm lòng tôi cứ lâng lâng khoan khoái. Câu chuyện của Ba và Dượng Hai rôm rả, tôi thì cứ mãi lo thưởng thức cảnh đẹp đồng quê, nên chúng tôi hầu như quên mất cả thời gian: mặt trời đã đứng bóng rồi!

Đã khá trưa, Ba và tôi chào tạm biệt Dượng Hai ra về. Cũng như những lần trước, Dượng Hai không quên vội vã bắt lên vài con cá và hái nào là xoài, mít, khế, mận… cả một giỏ to tướng gửi cho cha con tôi chở về. Lần nào đi vườn Dượng Hai về, chúng tôi cũng  được biếu thật nhiều sản phẩm cây nhà lá vườn an toàn, chất lượng và thật ngon lành như thế. Tôi mong khu vườn của Dượng Hai sẽ giữ mãi không khí mùa xuân, mỗi ngày càng thêm sinh tươi, sống động hơn, để những lần hội ngộ tiếp theo tôi sẽ được khám phá nhiều điều mới lạ hơn ở khu vườn sinh thái thú vị này./.

 


 
BA MƯƠI TẾT PDF. In Email
Thứ tư, 10 Tháng 2 2021 01:32

 

BA MƯƠI TẾT

                                                       Ngọc Điệp

Bắt đầu bước sang những ngày hai mươi của tháng Chạp năm cũ, là xem như đã có không khí Tết rồi. Kể từ hôm cúng đưa Ông Táo về Trời, nhiều gia đình đã râm ran đón Tết. Trong suốt một tuần lễ của những ngày “hăm Tết” thì người người đều tất bật lo đón Tết, sắm sang dọn dẹp lau chùi nhà cửa bàn ghế, chuẩn bị đồ ăn thức uống, trang hoàng hoa lá cây cảnh cho ngôi nhà của mình thêm sung túc xinh tươi.

Và, mặc cho ai ai cũng hối hả rộn ràng, những ngày cuối năm cứ chầm chậm trôi qua, rồi thì ngày Ba mươi Tết cũng đến. Ba mươi Tết, ngày cuối cùng còn lại của năm cũ, thời khắc đánh dấu một năm đã hết và dần bước chuyển sang năm mới. Cái thời điểm này có thật nhiều cảm xúc và ý nghĩa lắm thay!

Buổi chợ ngày Ba mươi Tết mới đặc biệt hơn rất nhiều.Và cũng có thật nhiều điều bất ngờ diễn ra khó mà đoán được. Có thể buổi chợ cuối cùng của năm này sẽ đông đúc xôm tụ chật cứng người mua bán, hàng hoá dồi dào thoả sức cho người đi chợ chọn lựa mua sắm. Do nhiều người bận rộn công việc riêng, phải đến buổi chợ cuối cùng của năm này họ mới tranh thủ vội vàng đi mua sắm các thứ về kịp nấu mâm cơm cúng rước Ông Bà theo tục lệ.

Nhưng cũng có thể, buổi chợ Ba mươi Tết sẽ trở nên đìu hiu, thưa vắng, vì đa phần các gia đình đã lo sắm sửa đầy đủ từ những ngày trước đó rồi. Có chăng, họ chỉ đến chợ để mua thêm vài thứ cần thiết nữa mà thôi. Vì thế, hàng hoá bày biện trong chợ cũng lèo tèo, có một số gian hàng tiểu thương cũng đóng cửa nghỉ Tết sớm, làm cho không khí chợ trở nên tẻ nhạt đi rất nhiều.

 Cũng như giá cả các mặt hàng hoá cũng sẽ có nhiều khả năng dao động đối với các chợ lẻ ở quê. Có những món hàng đến ngày Ba mươi Tết sẽ đắt hơn hoặc rẻ hơn. Ví như bữa cơm cúng ngày Ba mươi Tết trong dân gian thường hay có món canh khổ qua hầm, ngầm hiểu như để cho những điều khổ sở của gia chủ trong năm cũ sẽ qua đi, cho nên trái khổ qua hay cá chả sẽ tăng giá lên vùn vụt có khi gấp đôi gấp ba lần so với ngày thường trong buổi chợ Ba mươi Tết. Các thứ thịt cá rau đậu dưa cà mắm muối khác cũng vậy, tuỳ từng mặt hàng mà giá cả có thể tăng hoặc giảm trong buổi chợ cuối năm này.

Đặc biệt là đối với mặt hàng hoa kiểng thì chỉ còn mua bán được trong buổi chợ sáng Ba mươi Tết mà thôi. Chỉ trừ các loại cây kiểng có giá cả gần như ổn định, còn lại các loại hoa thời vụ dùng để chưng cắm thì giá cả hết sức vô chừng. Có năm hiếm hàng, bông hoa buổi chợ cuối giá đắt hơn nhiều vì ai cũng cố gắng mua một vài bó về chưng cúng trên bàn thờ tổ tiên hoặc để cắm vài lọ hoa tươi đặt ở phòng khách. Nhưng cũng có năm, trong buổi chợ Ba mươi Tết mặt hàng này trở nên ế ẩm đến đáng tội, đến nỗi người bán phải vội vàng bán đổ bán tháo giá rẻ, thậm chí còn cho tặng luôn cho khách hàng, mặc dù có thể họ sẽ bị lỗ vốn. Bởi đặc thù của mặt hàng này là người bán bắt buộc phải dọn dẹp sạch sẽ để trả lại mặt bằng cho khu chợ trước khi kết thúc buổi chợ Ba mươi Tết. Cũng chính vì đặc điểm này mà cũng có một số người cố tình chờ đến buổi chợ Ba mươi Tết mới đi mua bông hoa, để có thể mua được giá rất rẻ hoặc có khi còn được biếu không mang về.

Ngày Ba mươi Tết diễn ra với thật nhiều cảm xúc đan xen đối với mỗi người, mỗi gia đình. Đến ngày này, nếu không có lý do gì đặc biệt, thì ai ai cũng phải trở về đoàn tụ gia đình bên mâm cơm chiều cuối năm rôm rả. Mọi người xúm xít quây quần bên nhau, xắn tay áo cùng vào bếp nấu nướng, dọn mâm cỗ bàn ghế, bày biện tiệc tùng. Trẻ con vui sướng chạy ra chạy vào í ới, người lớn huyên thiên nói cười chuyện trò không ngớt. Mâm cơm cúng Ông Bà trên bàn thờ khói hương nghi ngút. Rồi cả gia đình cùng ngồi quanh bữa cơm cuối năm trong không khí ấm áp thân tình. Cùng nói về phút đón Giao thừa chỉ trong vài giờ sắp tới, cùng bàn bạc kế hoạch du xuân, đi thăm hỏi, đi chúc Tết họ hàng cho những ngày đầu năm mới.

Vậy đó, ngày Ba mươi Tết vẫn luôn là một ngày thật trọng đại. Cái thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, có thật nhiều cảm xúc đan xen khó tả, nó hồi hộp, trang nghiêm mà ấm áp biết bao nhiêu!

 


 
TẾT, MÙA XUÂN VÀ NHỮNG KHỞI ĐẦU PDF. In Email
Thứ hai, 08 Tháng 2 2021 00:09

 

TẾT, MÙA XUÂN VÀ NHỮNG KHỞI ĐẦU

                                                               Ngọc Điệp

Tết đến xuân về - một cách nói đã trở thành quen thuộc đối với mỗi con người Việt Nam ta cứ vào mỗi dịp đầu năm mới. Tết – là khái niệm mới nghe qua tưởng chừng đơn giản nhưng nó mang hàm ý sâu đậm vô cùng. Tết- chỉ gọn ghẽ một từ thôi mà chứa đựng cả một sức mạnh tiềm ẩn thuần tuý tâm hồn hết sức mạnh mẽ và độc đáo của người dân Việt.

Không độc đáo sao được khi Tết đã trở thành một nếp quen, gắn bó mật thiết trong đời sống tinh thần của mỗi người. Từ trẻ đến già, không ai là không nôn nao mong ngóng đến khoảng thời gian đặc biệt nhất trong năm: đó là mỗi khi xuân về Tết đến! Cho dù ở mỗi độ tuổi khác nhau, con người đón nhận cái Tết bằng những tình cảm và nhận thức khác nhau, nhưng chung quy lại, Tết vẫn là một sự kiện thiêng liêng, quan trọng, cần thiết, khiến cho ai ai cũng luôn trong tâm thế hướng về, luôn chuẩn bị và phấn đấu trong suốt đời sống hoạt động của mình.

Chẳng thế mà có những dự định, kế hoạch, phương hướng của cá nhân người ta thường hay chọn thời điểm Tết để bắt đầu tiến hành, hoặc đưa ra tiêu chí phải hoàn tất xong trước hay sau Tết. Trong dân gian chúng ta cũng không lạ gì những công việc thường nhật mà mọi người hay ví von là tranh thủ thực hiện xong cho sớm để kịp Tết , để  “ăn Tết”. Ví như chuẩn bị hay kết thúc một vụ mùa trồng tỉa, chăn nuôi, kinh doanh, khánh thành hay hoàn tất xây dựng một ngôi nhà mới, một hoạch định, một công trình… hoặc đối với những vấn đề hiếu hỉ của cá nhân như cưới hỏi, ăn mừng, kỷ niệm, thăm viếng… cũng thường liên quan đến việc chọn Tết làm điểm mốc. Những người học trò cũ hẹn nhau Tết sẽ tụ họp về cùng đi thăm thầy cô cũ. Nhóm bạn học ngày xưa tổ chức họp lớp hàng năm cũng chọn vào dịp Tết cho vui vẻ. Nhà gái, nhà trai cũng hay chọn dịp Tết để làm quen ra mắt nhau nhằm chuẩn bị cho một kết giao mới giữa hai gia đình để thực hiện việc cưới xin cho con cái….

Tết- được ưu ái chọn làm thời điểm tiến hành cho nhiều sự việc quan trọng trong đời sống của của con người cũng chính vì nó mang ý nghĩa đặc biệt ấy. Vả chăng, Tết luôn đồng hành với những điều may mắn, tài lộc, niềm vui, phát đạt, thành công, hạnh phúc, sum vầy… cho nên khi muốn mọi việc được hanh thông, thuận buồm xuôi gió thì người ta hay dành thực hiện vào dịp Tết. Thậm chí, nếu như trong các mối quan hệ giao tiếp khi có những việc chưa hài lòng với nhau thì người ta cũng “chín bỏ làm mười” để mọi thứ được suôn sẻ, chỉ vì hai chữ  nói ra nghe thật nhẹ  nhàng: “Tết mà!”.

Tết- vì thế mà mang một sức mạnh tinh thần cực kỳ to lớn đối với người Việt ta. Làm việc, cố gắng, phấn đấu cả năm, đến Tết ta có thể được nghỉ ngơi thư giãn vài ngày, được đi thăm thú, thể hiện sự quan tâm chăm chút đối với họ hàng, người thân hay tự cho phép mình tân trang sắc vóc, sắm sửa làm đẹp một chút để thêm phấn chấn tinh thần, chuẩn bị cho một năm mới với những dự định mới… Tết – cũng là thời điểm để mỗi cá nhân tự nhìn nhận lại mình sau một năm với những điều được - mất, để so sánh, rút tỉa kinh nghiệm, tìm ra bài học và rồi lại không ngừng nỗ lực cho một hành trình tiếp theo.

Để có một cái Tết viên mãn, nhiều người đã nỗ lực thật nhiều cả về vật chất lẫn tinh thần, tất cả đều ở ý nghĩa đặc biệt ấy. Thế nên, có vất vả bao nhiêu người ta cũng không ngại đường sá xa xôi gồng gánh về quê ăn Tết, vượt qua cái nắng nóng giữa trời trưa và tình trạng tắc nghẽn xe cộ trên đường. Thế nên, người ta cố gắng dành dụm cả năm mong mang về cho gia đình một cái Tết sung túc, đủ đầy. Tết, cần lắm cho đời sống tinh thần của con người, nó giúp cân bằng trạng thái cảm xúc, giảm bớt những lo âu nhọc nhằn suốt thời gian dài trong cuộc sống, trong công việc. Nó mang lại sự yên bình, thư thái và những động lực mới để mỗi người cảm nhận hết được niềm hạnh phúc và vui sống.

Vì vậy, Tết không chỉ đơn thuần là những ngày hội vui, nó còn mang ý nghĩa là sự khởi điểm của mùa xuân. Nó cũng giống như mỗi chặng dừng cần thiết phải có trong hành trình sống của chúng ta vậy./.

 


 
DƯ VỊ CỦA TẾT PDF. In Email
Thứ sáu, 05 Tháng 2 2021 23:32

 

DƯ VỊ CỦA TẾT

                                            Ngọc Điệp

Tết, đã chọn đúng vào dịp mùa xuân để tìm về? Hay mùa xuân vì mãi chờ Tết đến nên cứ nhẩn nha đợi để cùng song hành một lượt? Chỉ biết rằng cả hai đã hoà quyện, đan xen lẫn vào nhau để làm nên cái dư vị không quên trong lòng người, mỗi năm, khi xuân về Tết đến.

Vào xuân, vạn vật tươi mới, trăm hoa đua nở, bầu trời trong xanh hơn và cái nắng cũng tươi vàng hơn. Vào xuân, lòng người sao nghe phơi phới, hớn hở, lâng lâng trước bao điều. Người già mừng vui như trẻ lại, người trẻ lại thấy mình hồn nhiên như trẻ con, trẻ nhỏ thì không ngừng ngạc nhiên trước những thứ mới mẻ và lạ lẫm xung quanh. Trời đất đã riêng tặng cho mùa xuân một uy lực mạnh mẽ vô cùng: đó là mang lại niềm vui làm ấm áp lòng người, truyền đi thông điệp của tình yêu và lòng tin vào cuộc sống.

Và Tết, trong một ý nghĩa khác lại như một ngày hội vui mang đến cho con người thêm bao nhiêu phấn chấn. Tết là sum họp, đoàn tụ, vui vầy và biết ơn. Tết còn là lễ, là nghĩa, là viếng thăm, chúc tụng. Tết, là cơ hội để phơi bày những thứ tinh hoa nhất trong đời sống văn hoá tinh thần của người Việt ta. Tết, là chắt lọc đến tinh tuý những giá trị tiềm tàng của dân tộc trong xã hội, trong cộng đồng đã đi qua suốt chiều dài lịch sử. Vì thế, Tết, dù mỗi năm đều lặp lại, và dù cho đến mãi mãi sau, dù thời gian có bao lâu đi nữa, Tết vẫn luôn luôn ẩn chứa những điều vô cùng đặc biệt, hết sức ý nghĩa và rất đáng trân trọng đối với mỗi con người.

Mùa xuân và Tết. Tết và mùa xuân. Sự kết hợp nhịp nhàng ấy quả thật kỳ diệu. Người người quay về bên nhau trong một không gian xuân ấm áp. Người người cùng nhau vui xuân trong tiết trời mát mẻ, hoa lá cỏ cây tươi đẹp như tranh. Gặp nhau trong câu chúc tụng đầu năm mới an lành, mang cho nhau niềm tin về một năm dài vững bền tài lộc, vạn sự như ý. Nó có khác nào liều thuốc bổ quý giá hun đúc tinh thần, trao truyền cho nhau tinh thần lạc quan, yêu đời để tất cả mọi người không ngừng phấn đấu và quyết tâm trong học hành, làm việc, trong cuộc sống của mình.

Mỗi cái Tết đi qua đều chứa đựng thật nhiều dư vị. Nó là những cái mốc đặc biệt cho những sự kiện đáng nhớ đối với mỗi đời người. Thế nên, trong những câu chuyện hàn huyên, người ta vẫn thường hay nhắc về những cái Tết năm ấy, năm ấy… gắn liền với những nỗi niềm vui, nỗi buồn, hay những sự việc trọng đại khác, có khi không riêng gì với cá nhân con người, mà nó còn là vấn đề chung của cộng đồng, của xã hội nữa.

Cho dù thế nào đi nữa, Tết, vẫn là những khoảnh khắc đáng nhớ nhất trong suốt cuộc đời của chúng ta. Tết là ký ức, là những khoảng trời riêng rất đặc biệt, nó nuôi dưỡng phong phú tâm hồn, nó vun bồi những tình cảm đẹp để giúp cho chúng ta càng thêm trân quý, biết thương yêu những người xung quanh mình và càng thêm mến yêu cuộc sống này.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


 
« Bắt đầuLùi12345678910Tiếp theoCuối »