Giữ gìn hai chữ “tôn sư”…
Câu chuyện thứ nhất: học trò cũ đã trưởng thành, trở thành đồng nghiệp ngang hàng với thầy giáo cũ, cùng dạy học chung trong một đơn vị trường học. Rồi trong công cuộc “làm ăn” theo dòng xoay luẩn quẩn của đồng tiền, trò vay tiền của thầy. Thầy cũng sẵn lòng cho trò “vay” với những mong đồng tiền sẽ “nở”. Nhưng, trớ trêu thay, trò thiếu tiền nhiều người không có khả năng chi trả, trong đó tiền của thầy trò cũng “nín” luôn, số tiền cũng không phải ít. Vậy là thầy vác đơn đi kiện trò. Việc trò có nhiều khả năng phải đối diện với pháp luật vì cố tình “chậm trả” tiền của thầy sẽ là chuyện chắc chắn trong nay mai!
Câu chuyện thứ hai: học trò lớp chủ nhiệm cũ cũng đã trưởng thành, lập gia đình và chí thú làm ăn. Thầy có nghề tay trái là cơ sở bán thức ăn chăn nuôi ở địa phương, trong khi trò bắt đầu khởi nghiệp bằng cách thử nghiệm nuôi vài ngàn con vịt chạy đồng. Thiếu vốn, trò tìm đến “ mua thiếu” thức ăn vịt của thầy. Vì tình nghĩa thầy trò, cũng vừa để giúp đỡ cho đôi vợ chồng trẻ, thầy cứ vô tư bán thiếu cho trò dài dài, sổ sách thì chỉ ghi chép qua loa. Sau vài năm, vịt thì cũng đã nghỉ nuôi rồi, mà tiền thức ăn vịt trò cũng không chịu trả hết cho thầy. Bất đắc dĩ, thầy phải “ngại ngùng” mở miệng kêu học trò cũ thanh toán khoản tiền thiếu kia không cần tính lãi, nhưng cũng không có. Cuối cùng, thầy cũng đành “ngậm ngùi” nhờ pháp luật phân xử. Đương nhiên là ai thiếu tiền thì người đó có trách nhiệm phải trả, nhưng khi thầy trở thành “nguyên đơn”, còn trò là “bị đơn” trong một vụ kiện dân sự tranh chấp đòi lại tài sản, người ngoài cuộc cũng thấy sao thật đắng lòng!
Cả 2 câu chuyện trên đều có thật, đã và đang xảy ra mà chắc chắn người trong cuộc không hề mong muốn. Trong quan hệ xã hội, những vụ việc tranh chấp thông thường như trên xảy ra không phải là ít. Nhưng điều đáng nói ở đây là khi những người trong cuộc lại có mối quan hệ với nhau bằng một thứ tình cảm đặc biệt: tình thầy trò! Tình cảm giữa thầy và trò, dù đang còn trong hiện tại hay đã là quá khứ, nó cũng thuộc về một cung bậc riêng biệt, không thể thay đổi, và cũng không thể đánh đồng với những mối quan hệ khác được. Vả lại xưa nay, tình cảm thầy trò vốn đã luôn được xem là một thứ tình cảm cao đẹp, đáng trân trọng và thật thiêng liêng đối với mỗi người.
Ông bà ta từ xưa đã có câu “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, chứng tỏ người xưa kính trọng thầy dạy học biết bao nhiêu. Xã hội hiện đại của chúng ta ngày nay cũng vẫn còn lưu giữ được lề thói tốt đẹp ấy. Có những câu chuyện cảm động về những con người thành đạt, giữ địa vị quan trọng vẫn một mực tôn kính thầy học ngày xưa. Hay có những người học trò cũ tóc đã bạc hoa râm vẫn nhớ mà trở về thăm thầy giáo cũ đã già yếu vào ngày 20/11 hàng năm… Vì trong tâm thức của con người Việt Nam, tình nghĩa thầy trò cũng không khác gì công cha nghĩa mẹ, ơn dạy dỗ của thầy cũng được ví ngang bằng như công sinh thành dưỡng dục của mẹ cha vậy. Đơn giản cũng bởi vì người Việt ta vốn rất coi trọng sự học hành. Mà một khi đã “trọng đạo” thì đi kèm theo đó ắt hắn là phải “tôn sư”.
Trong cuộc đời của mỗi người, dần theo sự trưởng thành mà ta sẽ có nhiều người thầy khác nhau. Từ thầy dạy ở bậc tiểu học, trung học, đại học, rồi thầy dạy nghề hoặc tùy theo từng lĩnh vực mà người ta có những người thầy riêng của mình. Bên cạnh thầy dạy chữ thì cũng có thầy dạy những ngành nghề phục vụ cho đời sống xã hội. Ví như thầy dạy nghề may, thầy dạy cắt tóc, thầy dạy nấu ăn, thầy dạy lái xe, thầy dạy sửa chữa ô tô xe máy, thầy dạy hàn tiện cơ khí… Và khi đã đạt được thành tựu cho bản thân rồi, mặc dù không còn học với thầy nữa, nhưng ai ai cũng một mực tôn kính thầy cũ của mình, luôn đối đãi với thầy chẳng những bằng sự lễ phép trân trọng mà còn bằng tình cảm thương yêu quý mến đặc biệt nữa. Chuyện học trò cũ trở lại quan tâm giúp đỡ cho thầy trong cuộc sống cũng không phải là hiếm. Đó mới chính là cái sự gìn giữ hai chữ “tôn sư” một cách đúng nghĩa.
Thế nên, vì cái nghĩa thầy trò, vì tình cảm thiêng liêng trong hai chữ “tôn sư”, thiết nghĩ trong những mối quan hệ xã hội phức tạp, đặc biệt khi có sự tham gia của “đồng tiền” thì chúng ta cần nên cẩn trọng. Đừng để sức mạnh của đồng tiền làm triệt tiêu đi tình cảm cao đẹp giữa thầy và trò. Trong công việc làm ăn, nếu cần phải vay mượn của ai đó, thì tại sao ta không chọn đối tác khác mà lại đi vay tiền của chính thầy dạy mình? Còn khi ai đó có tiền nhàn rỗi, có nhu cầu cho vay mượn, thì cũng đừng nên thực hiện các giao dịch trao đổi ấy với học trò của mình, dù đó là học trò cũ. Vì lẽ, một khi đồng tiền đã kéo sự việc đi chệch hướng, thì quan hệ thầy trò chẳng những đã không còn giữ được nữa mà buồn thay, khi đó nó lại trở thành một mối quan hệ đối đầu của những người trong cuộc, vì ai cũng muốn bảo vệ lợi ích của mình! “Tôn sư” là một khái niệm thuộc lĩnh vực tinh thần. Còn chuyện tiền bạc lại là của đời sống vật chất riêng biệt. Để gìn giữ tốt đẹp hai chữ “tôn sư”, đừng bao giờ để tiền bạc chen lẫn vào trong mối quan hệ thầy trò…
Ngọc Điệp |