Thứ ba, 15 Tháng 9 2020 10:57 |
TÀI LIỆU SINH HOẠT TƯ TƯỞNG THÁNG 9
(Kèm theo Công văn số 11-CV/BTGHU, ngày 01 tháng 9 năm 2020
Của Ban Tuyên giáo Huyện ủy)
-----
Sinh hoạt, phổ biến đến cán bộ, đảng viên nội dung tóm tắt bài viết “Câu chuyện thái độ” của tác giả Xích Lô.
|
Đọc thêm...
|
Thứ hai, 18 Tháng 6 2018 21:23 |
Vài suy nghĩ về các đề tài sáng kiến kinh nghiệm của ngành giáo dục năm nay
Năm học 2017-2018, ngành giáo dục toàn tỉnh Đồng Tháp có 328 sáng kiến kinh nghiệm của giáo viên, nhân viên và cán bộ quản lý giáo dục thuộc khối trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông được công nhận cấp Sở, trong đó có 11 sáng kiến đạt loại A, 91 sáng kiến đạt loại B và 226 sáng kiến đạt loại C.
Nhìn chung, phần lớn sáng kiến kinh nghiệm năm nay tập trung vào các đề tài phục vụ công tác giảng dạy chuyên môn, công tác quản lý, công tác đoàn thể và các lĩnh vực công tác khác trong trường học. Đó là những phát hiện mới, những ý tưởng sáng tạo mới nảy sinh, những thông tin mới được cập nhật và vận dụng đạt hiệu quả qua thực tiễn giảng dạy và công tác trong năm học 2017-2018 của các cá nhân và tập thể đơn vị trường học trong tỉnh.
Về nguyên tắc chung, sáng kiến kinh nghiệm phải là những cách làm mới đã được kiểm nghiệm qua quá trình tổ chức thực hiện trong thực tiễn, thông qua đó tác giả đúc kết lại thành kinh nghiệm của cá nhân mang tính lý luận, có hệ thống. Các nội dung, vấn đề của sáng kiến kinh nghiệm đề cập đều phải trải qua kiểm chứng thực tế từ cơ sở, được áp dụng trên những đối tượng nhất định với thời gian, không gian tổ chức thực hiện hợp lý. Các số liệu thu thập được, kết quả đạt được hay những vấn đề mới nảy sinh trong quá trình thực hiện sáng kiến kinh nghiệm sẽ được đúc kết, đánh giá, phân tích, so sánh … đảm bảo tính hợp lý, chân thực và khách quan, đủ sức thuyết phục để từ đó, sáng kiến có thể nhân rộng, phổ biến, giới thiệu, áp dụng được cho nhiều đối tượng, nhiều thành phần, nhiều đơn vị, cơ sở khác cùng thực hiện nhằm mang lại kết quả tốt nhất trong giảng dạy và công tác.
Với quy mô của ngành giáo dục toàn tỉnh, phạm vi đề tài các sáng kiến kinh nghiệm năm nay được thể hiện khá rộng rãi và phong phú. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đã thực sự tâm huyết, dày công nghiên cứu để hình thành nên những sáng kiến kinh nghiệm mang tính thực tiễn cao, có nhiều tính khả thi cho việc nhân rộng và đáp ứng đúng nhu cầu của người học cũng như thỏa mãn được yêu cầu, mong muốn của người dạy.
Trong nhóm sáng kiến đạt loại A, có thể liệt kê ra một số đề tài mang tính thực tiễn rất cao như: “Giáo dục học sinh ý thức bảo vệ môi trường trong chăn nuôi” ( tác giả Võ Thị Diễm Kiều, trường THPT Trần Quốc Toản, môn Công nghệ), đề tài này đã tạo cho học sinh có cách nhìn thực tế sinh động khi đã liên hệ được nội dung bài học từ sách giáo khoa với thực tiễn sản xuất, cũng như định hướng cho người dạy cách vận dụng phương pháp dạy học cụ thể; hay đề tài “Tích hợp kiến thức về tình hình phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Tháp vào giảng dạy một số bài Địa lý lớp 12” ( tác giả Huỳnh Đức Tài, trường THPT Thống Linh, môn Địa lý) đã tạo được sự gắn kết giữa kiến thức sách giáo khoa và thực tiễn tình hình kinh tế xã hội của địa phương, rèn cho học sinh cách liên tưởng để đánh giá vấn đề. Đáng quan tâm hơn là việc tiếp cận với Hoạt động trải nghiệm- một nội dung giáo dục dự kiến sẽ được đưa vào chương trình giáo dục phổ thông mới, đã được tác giả lồng ghép tổ chức thực hiện để giáo dục học sinh, đó là đề tài “Đổi mới hình thức giáo dục học sinh thông qua hoạt động trải nghiệm khám phá khu dụ trữ sinh quyển Cần Giờ” ( tác giả Lê Nguyễn Duy Lynh, trường THPT Lai Vung 1, môn Địa lý). Bên cạnh đó, những nội dung khó, đào sâu về chuyên môn, đòi hỏi cần có sự nghiên cứu công phu cũng được tác giả quan tâm thực hiện qua đề tài “Nâng cao kỹ năng giải toán hình học phẳng trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia” ( tác giả Huỳnh Chí Hào, trường THPT Chuyên Nguyễn Quang Diêu, môn Toán)…
Trong nhóm sáng kiến đạt loại B và C cũng nổi bật lên những đề tài đáng chú ý như: “Mô hình Ban quản sinh trong trường THPT” ( tác giả Đinh Công Trấn, trường THPT Đỗ Công Tường, môn Hóa học) nhằm đề xuất một hình thức quản lý học sinh hiệu quả trong trường phổ thông; hay vấn đề tập rèn cho học sinh sự tự tin, biết phản biện, biết tư duy tích cực và sáng tạo qua đề tài “Vận dụng tư duy phản biện vào dạy học Ngữ văn” ( tác giả Lê Trung Liệt, trường THPT Chuyên Nguyễn Đình Chiểu, môn Ngữ văn). Các tác giả là cán bộ quản lý đơn vị thì đặc biệt quan tâm đến những đề tài mang tính tổng hợp, liên quan đến công tác lãnh đạo và kiểm tra đánh giá để nâng cao hiệu quả hoạt động của đơn vị theo tinh thần phù hợp với xu thế hiện đổi mới nay, như “Chỉ đạo việc đổi mới mục tiêu, nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức dạy học theo hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh” ( tác giả Hồ Thanh Phi, trường THPT Thanh Bình 1)…
Bên cạnh đó, có những đề tài tưởng chừng như đơn giản nhưng nó chính là kết quả của quá trình nghiên cứu, thực hiện mà người viết đúc kết được, đồng thời lại rất cần thiết để phổ biến rộng rãi cho việc thực hiện nhiệm vụ dạy và học hàng ngày của giáo viên và học sinh. Đó là đề tài “Một số hình thức dẫn vào bài tạo hứng thú cho học sinh khi học Ngữ văn” ( tác giả Lê Thị Ngọc Cẩm, trường THPT Lấp Vò 2, môn Ngữ văn), hay đề tài “Kinh nghiệm tích hợp nội dung giảng dạy học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào chương trình giảng dạy môn Ngữ văn lớp 11” ( tác giả Lưu Xuân Mỹ, trường THPT Châu Thành 1, môn Ngữ văn), hoặc đề tài “Giáo dục lịch sử qua hoạt động trải nghiệm” ( tác giả Lê Văn Út, trường THPT Phú Điền)…
Cá biệt, có sáng kiến của nhân viên bảo vệ trường với đề tài “Cải tiến hệ thống báo trộm hoạt động tốt ngay khi bị cúp điện” ( tác giả Lê Trường Sơn, nhân viên bảo vệ trường THPT Giồng Thị Đam), hay sáng kiến “Kinh nghiệm tổ chức ngày hội đọc sách có hiệu quả” ( tác giả Đặng Ngọc Thủy, nhân viên thư viện trường THPT Cao Lãnh 2), hoặc sáng kiến “Giải pháp thu hút bạn đọc đến thư viện trường” ( tác giả Nguyễn Hiền Tốt, trường THPT Thiên Hộ Dương), đề tài “Biện pháp triển khai Chỉ thị 05 trong học sinh” ( tác giả Võ Văn Tèo, trường THPT Lấp Vò 1) … Các đề tài nói trên đã cho thấy không chỉ có giáo viên, cán bộ quản lý trường học mà ngay cả nhân viên phụ trách công tác hành chánh, bảo vệ, thiết bị, thư viện, cán bộ Đoàn - Hội trường học… cũng quan tâm thực hiện viết các sáng kiến kinh nghiệm từ thực tiễn lĩnh vực công việc cụ thể hàng ngày của mình.
Tất cả các sáng kiến kinh nghiệm về lĩnh vực giáo dục được Sở Giáo dục – Đào tạo Đồng Tháp công nhận năm nay nhìn chung thể hiện được sự sáng tạo và tâm huyết của người thực hiện. Có thể nói, họ là những giáo viên, nhân viên, cán bộ quản lý trường học rất tận tâm, có nhiều ý tưởng sáng tạo mới nảy sinh trong quá trình giảng dạy và công tác, thể hiện qua những đề tài sáng kiến kinh nghiệm của cá nhân mang tính thuyết phục và có khả năng vận dụng cao.
328 sáng kiến kinh nghiệm được công nhận, một con số khá tiêu biểu so với số lượng giáo viên, nhân viên đông đảo của ngành giáo dục toàn tỉnh. Từ những đề tài sáng kiến này, sẽ có nhiều cá nhân, đơn vị khác cùng quan tâm tham khảo, nghiên cứu, để áp dụng thực hiện những cách làm hay nhằm mang lại hiệu quả công tác tốt nhất cho cá nhân và đơn vị mình. Cách tốt nhất để mỗi người giáo viên, nhân viên học hỏi, trao đổi kinh nghiệm từ đồng nghiệp, từ đơn vị bạn chính là thông qua nghiên cứu những đề tài sáng kiến như thế này. Trong quá trình giảng dạy và công tác, bản thân mỗi người giáo viên cần luôn luôn tự bồi bổ kiến thức và kinh nghiệm cho mình, trong đó việc học hỏi, chia sẻ, vận dụng một cách sáng tạo những kinh nghiệm của đồng nghiệp cũng là vấn đề rất cần thiết, vì tất cả đều nhằm hướng tới mục tiêu hoàn thành thật tốt trách nhiệm của một người giáo viên.
Ngọc Điệp |
Chủ nhật, 17 Tháng 6 2018 12:12 |
Mấy suy nghĩ về “lớp học không điện thoại”
Đã có khá nhiều người đưa ra đề nghị “lớp học không điện thoại” nhằm kéo học sinh rời xa khỏi chiếc điện thoại của các em trong giờ học, trong khi giáo viên đang giảng bài hoặc trong khi thầy và trò cùng thực hiện các hoạt động giáo dục khác ở trường học. Những ý kiến đó không phải chỉ xuất phát từ những người trong cuộc thuộc ngành giáo dục, mà phần đông phụ huynh, những người thuộc các lĩnh vực nghề nghiệp, các thành phần xã hội khác hay tất cả những ai quan tâm đến giáo dục nói chung đều có cùng suy nghĩ như vậy.
Thực ra, đã từ lâu các trường học cũng đã có quy định “cấm” học sinh không được sử dụng điện thoại trong giờ học. Với mục đích để cho học sinh tập trung cao độ vào bài học, để nâng cao hiệu quả của tiết học, để tránh tình trạng học sinh bị phân tán, xao lãng, “làm việc riêng” trong giờ học. Điều đó còn nhằm duy trì việc thực hiện kỷ cương, nề nếp và xây dựng môi trường văn hóa trong học đường.
Tuy nhiên, trong thực tế thì việc “cấm” này chỉ được thực hiện nghiêm túc đối với học sinh ngoan. Còn những học sinh “nghịch” thì sẽ có trăm phương ngàn kế để lén lút sử dụng điện thoại trong giờ học mà họa hoằn lắm mới có em bị giáo viên phát hiện. Do thầy cô còn mãi “đánh vật” với bài giảng hoặc không chú ý quan sát bao quát hết cả lớp, cho nên trong lớp học thế nào cũng có một vài cô cậu tranh thủ cúi mặt xuống gầm bàn để mà “lướt” điện thoại. Nhiều em sử dụng điện thoại thông minh điêu luyện đến mức mắt không cần nhìn vào màn hình, tay để trong hộc bàn vẫn cứ lướt, quẹt bàn phím và nhắn tin nhay nháy.
Trong thời đại mà kỹ thuật số chi phối khá nhiều đến đời sống con người như hiện nay, chiếc điện thoại thông minh đã trở thành vật “bất ly thân” của nhiều người, nhất là đối với giới trẻ, với học sinh cũng không ngoại lệ. Nhiều em học sinh chỉ mới học trung học cơ sở cũng đã được cha mẹ mua cho điện thoại đắt tiền. Thế nên khi đi đâu, làm gì các bạn trẻ cũng kè kè chiếc điện thoại bên mình, không dám rời ra lấy một phút. Cái lực hút vô hình của một thứ vật dụng tuy nhỏ mà đa tiện lợi này thì ai cũng đã biết, trước mắt thì nó mang lại nhiều ích lợi đấy, nhưng đôi lúc nó cũng gây ra những sự phiền toái và đem lại không ít tác hại không mong muốn cho người sử dụng.
Trở lại vấn đề, khi học sinh không thể rời ra được chiếc điện thoại, kể cả trong giờ học, thì rõ ràng đó là điều tai hại. Bởi vì bộ não con người dù cho có siêu phàm đến đâu cũng không thể cùng một lúc mà tập trung chú ý vào nhiều việc được. Sử dụng điện thoại nhiều và liên tục còn làm cho học sinh dễ rơi vào trạng thái “sống ảo”, xa rời thực tế, thiếu kỹ năng sống và trước mắt là kết quả học tập sẽ bị giảm sút. Những hệ lụy phát sinh từ việc giao tiếp thường xuyên trên mạng xã hội đã xảy ra đối với giới trẻ học đường cũng không phải là nhỏ. Xuất phát từ những ngôn ngữ ‘chém gió” dễ dẫn đến hiểu lầm nhau, những mâu thuẫn không cần có cũng xảy ra, từ chỗ bất đồng rồi đưa đến bạo lực là điều không tránh khỏi… Vậy thì, việc nói không với điện thoại trong giờ học là điều tất yếu.
Về phía học sinh, các em sẽ viện dẫn ra nhiều lý do mà các em cho là chính đáng để được phép sử dụng điện thoại công khai trong giờ học. Ví như dùng điện thoại để tra cứu thông tin, bổ sung, hoàn chỉnh các bài tập, bài làm mà thầy cô đã cho; hay tham khảo tư liệu từ internet, tìm đọc các dạng bài mẫu để làm phong phú thêm kiến thức; hoặc giúp tìm ra nhanh đáp án, câu trả lời cho các câu hỏi khó để đỡ mất thời gian cho thầy và trò; hay cần định hình một ý tưởng sáng tạo mới mẻ nào đó… Tất cả những lý do này đều rất hợp lý, tuy nhiên nó nên được thực hiện vào những khoảng thời gian khác, chứ không phải ngay trên lớp học, trong khi thầy cô đang nỗ lực giảng dạy trong thời gian 45 phút ngắn ngủi cho mỗi tiết học.
Thế nên, nếu học sinh nào không may bị “phát hiện” sử dụng điện thoại trong giờ học thì xem như đã bị vi phạm nội quy. Đi kèm theo đó là những hình thức xử lý tương ứng tùy theo mức độ vi phạm của học sinh và cũng tùy theo cách nhìn vấn đề của giáo viên. Có trường hợp các em chỉ bị giáo viên nhắc nhở nhẹ nhàng. Có trường hợp bị bắt viết tự kiểm. Có trường hợp bị thông báo về cho gia đình. Có trường hợp phải nêu tên dưới sân cờ hoặc bị mời lên đứng trước sân cờ hay tạm giữ điện thoại chờ người nhà đến mới cho nhận lại…
Xung quanh câu chuyện về xử lý tình huống của giáo viên đối với học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học cũng quả là đa cung bậc. Có thầy giáo tính hóm hỉnh đang giảng bài bỗng dừng lại kể cho lớp nghe câu chuyện về một học sinh ở đâu đó lén lướt webs trong giờ học, chẳng ngờ chiếc điện thoại phát nổ phải đi cấp cứu…, thì liền đó có một cậu học trò lẳng lặng tắt đi chiếc điện thoại đang lén sử dụng mà việc ấy chỉ có hai người biết… Hay có cô giáo nhẹ nhàng từ phía sau vỗ vai một cậu học trò đang cắm mặt vào chiếc điện thoại để dưới hộc bàn… Cũng có thầy cô khó tính khi phát hiện liền mời đích danh, bắt đứng lên, rồi giảng đạo cho một bài dài về ý thức…Có thầy cô ghi hẳn “tội danh” vào sổ đầu bài, chờ đến cuối tuần chuyển cho giáo viên chủ nhiệm xử lý…Tuy vậy, học trò cũng có nhiều “chiêu” khi cố tình vòng vo khiến cho việc truy tìm “chính chủ” của mỗi chiếc điện thoại vi phạm phải mất thời gian, như nói là mượn điện thoại của bạn, nói chỉ xem tin nhắn hay chỉ có ý định trả lời cuộc gọi khẩn từ gia đình, hay phản hồi thông tin do người nhà nhắn có việc rất cần kíp…
Nhưng, dù gì đi nữa thì việc học sinh ngang nhiên sử dụng điện thoại trong giờ học là hoàn toàn không được phép. Vì, kể cả thầy cô giáo cũng không được sử dụng điện thoại trong khi đang đứng lớp. Có điều, thiết nghĩ các nhà trường cần nên có sự quan tâm đúng mức về việc xử lý học sinh vi phạm sử dụng điện thoại trong giờ học. Có nhiều nguyên nhân vi phạm khác nhau nên không thể đánh đồng tất cả. Có học sinh đã có thói quen gần như là “nghiện” điện thoại đến mức không thể rời ra được, nhưng cũng có học sinh vì không hứng thú với bài học mà vớ ngay chiếc điện thoại dùng cho đỡ “chán” chờ qua được một tiết học ngán ngẩm. Cũng có trường hợp dùng chiếc điện thoại thông minh làm “phao” trong các giờ kiểm tra, thi cử. Lại cũng có khi vô tình bị đứa bạn kế bên mượn tạm mà mình lại bị “nạn” lây. Cũng không loại trừ trường hợp các em thật sự cần sử dụng điện thoại trong khi thầy cô đang giảng bài vì tính cấp bách cá nhân nào đó…
Trong việc này, làm thế nào để học sinh tự giác ý thức mà không cần phải răn đe, đưa ra hình thức xử phạt này nọ. Hoặc hạn chế đến mức thấp nhất việc xử phạt học sinh mang tính phản giáo dục: như bắt đứng trước sân cờ, nêu tên trước tập thể, bắt phạt lao động cấm túc, hoặc cho điểm không bài kiểm tra…Bởi, chỉ cần nhắc nhở nhẹ nhàng cũng đủ giúp học sinh khắc phục ngay đối với loại vi phạm rất dễ vi phạm này. Và hơn hết, mỗi khi lên lớp người giáo viên cần thấu đáo quan điểm: phải toàn tâm giảng dạy sao cho bài giảng của mình có sức hấp dẫn hơn nhiều so với chiếc điện thoại kia, thì ắt hẳn học sinh sẽ lựa chọn cùng hợp tác xây dựng bài với thầy cô, với tập thể lớp, chứ không lựa chọn một mình lén lút với chiếc điện thoại trong 45 phút ít ỏi! Và nếu phải xử lý vi phạm trong lỗi này thì cần nên đơn giản hóa vấn đề, cần giáo dục các em bằng tình thương là chính. Trên hết, vẫn là vấn đề ứng xử sao cho đảm bảo tính văn hóa, thể hiện sự quan tâm, thương yêu và tấm lòng bao dung, độ lượng của người thầy đối với học trò của mình - nếu như các em có mắc phải lỗi vi phạm rất phổ biến này.
Ngọc Điệp
|
Thứ sáu, 01 Tháng 6 2018 14:09 |
Để công tác tư vấn tâm lý học đường ở trường phổ thông đi vào thực chất
Bấy lâu nay, cụm từ “tư vấn tâm lý học đường” đã không còn là một khái niệm xa lạ trong trường học, bởi nó được khẳng định một mảng công tác trong nhà trường phổ thông, có phân công giáo viên phụ trách, có kế hoạch hoạt động cụ thể, có báo cáo sơ tổng kết đánh giá hàng năm, cũng như lĩnh vực này được Sở Giáo dục – Đào tạo quan tâm tổ chức tập huấn chuyên đề cho giáo viên phụ trách thường xuyên hàng năm, nhằm giúp các đơn vị trường tổ chức thực hiện đúng quy định và đạt kết quả tốt.
Với tác dụng, ý nghĩa tích cực của nó, hoạt động tư vấn tâm lý học đường nếu được các trường tổ chức thực hiện đầy đủ, đúng theo quy định thì sẽ mang lại rất nhiều hiệu quả cho việc thực hiện mục tiêu giáo dục trong trường phổ thông. Bởi, do đặc thù riêng về nội dung hoạt động, mảng công tác này sẽ giúp cho nhà trường nắm bắt được những diễn biến tâm lý của học sinh trong từng độ tuổi, trên cơ sở đó mà thầy cô giáo sẽ đưa ra các nội dung tư vấn, định hướng, giúp các em tháo gỡ được những vướng mắc tâm lý về suy nghĩ, tình cảm, sức khỏe, giới tính, về các mối quan hệ, ứng xử, về việc học tập, hoạt động, việc định hướng chọn nghề trong tương lai hay tất cả các vấn đề khác mà các em quan tâm.
Nhìn chung, hoạt động tư vấn tâm lý cho học sinh hiện nay đã được tổ chức thực hiện khá đều ở các đơn vị trường học. Tuy nhiên, trong một chừng mực nào đó, nó vẫn còn mang tính chung chung, dàn trải, chưa thực sự đi vào chiều sâu. Đa số các trường thường tổ chức tư vấn chung cho học sinh toàn trường theo từng giai đoạn, từng thời điểm với các chuyên đề cụ thể như: sức khỏe sinh sản vị thành niên; tình bạn – tình yêu; tìm hiểu và chấp hành pháp luật, việc thi cử và chọn ngành nghề … Còn thì, việc tư vấn theo nhóm, tư vấn cá nhân, tư vấn cá biệt cho học sinh tuy có thực hiện nhưng vẫn chưa đều, chưa nhiều. Với đội ngũ giáo viên chủ nhiệm – là những người trực tiếp tư vấn cho học sinh trong lớp của mình, thì việc tư vấn nhóm theo đơn vị lớp hay tư vấn cá nhân cho học sinh có vẻ gặp được nhiều thuận lợi, vì có sự gần gũi trong tiếp cận hàng ngày giữa thầy và trò, với lại thầy cô chủ nhiệm dễ tạo được niềm tin đối với học sinh, từ đó các em có thể sẵn sàng sẻ chia, trao đổi, tìm đến tham khảo ý kiến tư vấn của thầy cô khi gặp vấn đề khó giải quyết. Đối với giáo viên làm công tác Đoàn - Đội cũng là những người được học sinh tín nhiệm khá nhiều, nên cũng có nhiều em sẵn sàng nhờ thầy cô phụ trách Đoàn - Đội giúp đỡ khi cần. Riêng đối với giáo viên bộ môn được phân công kiêm nhiệm làm công tác tư vấn học đường thì sẽ gặp khó khăn hơn trong việc tiếp cận với học sinh cần tư vấn. Do, có rất ít học sinh sẵn sàng bộc lộ chuyện cá nhân, những vấn đề riêng tư của mình với những thầy cô không phải là giáoviên chủ nhiệm hay thầy cô khác khi các em chưa đủ tin tưởng. Cho nên, mặc dù các trường có quan tâm bố trí phòng tư vấn học đường hẳn hoi, có phân công người trực theo lịch, có ghi chép sổ sách theo dõi hàng ngày nhưng thi thoảng mới có học sinh chủ động tìm đến phòng tư vấn, còn thì đa số là do giáo viên tự nắm bắt thông tin từ các nguồn, biết được học sinh nào gặp khó khăn cần được tư vấn giúp đỡ thì giáo viên sẽ chủ động gặp gỡ, tìm hiểu để trực tiếp tư vấn, hỗ trợ cho các em.
Nâng cao hiệu quả công tác tư vấn tâm lý học đường, thiết nghĩ trước hết đó là việc các tổ tư vấn, nhóm tư vấn hoặc giáo viên phụ trách công tác tư vấn trong nhà trường phải thường xuyên “có việc làm”, tức là có học sinh thường xuyên tìm đến để nhờ tư vấn, giúp đỡ. Như vậy, phòng tư vấn học đường không thể chỉ có gắn tấm biển hiệu bên ngoài mà quanh năm vắng vẻ, hiu quạnh; giáo viên làm kiêm nhiệm công tác tư vấn học đường không thể trong tình trạng “ngồi không” trong các buổi trực, thường xuyên được “nhàn rỗi” về mảng công tác này. Vì những “vấn đề” của học sinh là luôn luôn có, luôn luôn phát sinh, luôn luôn xảy ra hàng ngày khi các em đang trong lứa tuổi có nhiều thay đổi về tâm sinh lý, các em đang có rất nhiều băn khoăn, bỡ ngỡ trước cuộc sống, có những sự bất an, lo lắng, mơ hồ về những lựa chọn, cách ứng xử, quyết định cho bản thân. Vấn đề là ở chổ các em có mạnh dạn chia sẻ với thầy cô để được tư vấn giúp đỡ hay không? Các em có thẳng thắn bày tỏ với gia đình, người thân, bạn bè hay là các em sẽ tự mình giải quyết? Với kỹ năng và kinh nghiệm sống chưa nhiều, nếu học sinh cứ âm thầm tự mình giải quyết những vấn đề gút mắc của bản thân mà không tham khảo ý kiến của người lớn, thì chắc chắn sẽ dẫn tới kết quả không tốt, ít nhiều sẽ có ảnh hưởng đến việc học tập, sinh hoạt, cuộc sống của cá nhân các em cũng như tập thể đơn vị.
Cho nên, việc tăng cường công tác tuyên truyền, giới thiệu, hướng dẫn cho học sinh tìm đến những địa chỉ tư vấn tin cậy trong nhà trường là điều các trường nên làm trước tiên. Và, một khi học sinh đã quyết định đến với thầy cô nhờ tư vấn, thì giáo viên cũng phải làm thật tốt nhiệm vụ của mình, tuân thủ nghiêm túc những quy định về bảo mật thông tin, tôn trọng người được tư vấn, biết lắng nghe và gợi mở, biết định hướng hợp lý, biết xây dựng bầu không khí thoải mái, tự nhiên trong giao tiếp bằng thái độ ân cần, tế nhị, lịch sự để gây được niềm tin cho học sinh trong quá trình tư vấn. Thái độ có trách nhiệm của người tư vấn ảnh hưởng rất nhiều đối với người được tư vấn và kết quả tư vấn. Khi đã có được niềm tin với thầy cô, học sinh sẽ quan tâm, nghiêm túc lắng nghe, tiếp thu, suy nghĩ về những định hướng gợi mở của thầy cô trong những tình huống cụ thể để từ đó, tự bản thân các em sẽ đưa ra được cho mình những cách ứng xử và lựa chọn phù hợp nhất.
Hiệu quả đạt được sau tư vấn học đường cũng là một cái kết mở. Có thể học sinh sẽ tìm thấy ngay câu trả lời và thực hành tức thì để đạt được kết quả tốt nhất, cũng có thể là vấn đề mà học sinh sẽ tiếp tục suy nghĩ, thông qua quá trình trải nghiệm, tích lũy thêm sau thời gian dài các em mới đi đến quyết định chính thức. Những định hướng tư vấn đúng đắn của thầy cô sẽ giúp cho học sinh nhận ra phải trái, đúng sai, xác định được thái độ, ứng xử phù hợp, giúp các em có thêm kinh nghiệm và kỹ năng cần thiết. Nó mang lại kết quả tốt nhất cho học sinh nói riêng và cho gia đình, nhà trường nói chung, nó làm giảm thiểu những hành vi, việc làm không phù hợp, bớt đi những hành động nông nổi, suy nghĩ tiêu cực, quyết định sai lầm của học sinh trong những tình huống nhất định. Và cái được lớn nhất của công tác tư vấn học đường chính là: sau mỗi cuộc tư vấn, giữa thầy và trò đã hình thành thêm được một sự kết nối chặt chẽ, thiết lập được mối quan hệ thầy trò ngày càng tốt đẹp dựa trên sự cảm thông, chia sẻ và thấu hiểu, điều đó đã hiển nhiên góp phần xây dựng môi trường sư phạm lành mạnh và ngày càng phát triển.
Về công tác tư vấn tâm lý học đường hiện nay, các nhà trường có thể linh hoạt trong việc tiếp nhận thông tin và phản hồi kết quả về nội dung tư vấn, có thể thực hiện gián tiếp qua thùng thư, hộp thư, qua điện thoại, email hoặc bằng hình thức trao đổi trực tiếp. Vấn đề quan trọng là sao cho học sinh đừng e ngại mà dám thẳng thắn nói về “chuyện của mình” với thầy cô giáo. Và khi những thầy cô đã được học sinh “chọn mặt” làm chổ dựa tinh thần thì không được thờ ơ qua loa, mà phải tận tâm giúp học sinh tháo gỡ cho được những vướng mắc mà các em đang gặp phải, hỗ trợ cho các em tìm được cách giải quyết tốt nhất khi có vấn đề trong sinh hoạt, học tập, ứng xử hàng ngày, nhằm giải tỏa cho các em thoát khỏi những căng thẳng, khó khăn đang đối diện, từ đó các em mới có được tâm lý thoải mái, phấn khởi và tự tin để chuyên tâm học tập và rèn luyện tốt hơn.
Ngọc Điệp |
|
|