Thứ năm, 12 Tháng 12 2024
Trang chủ
Không cấm dạy thêm, học thêm
Thứ tư, 31 Tháng 10 2012 21:33

Các diễn giả tham gia chương trình

Đó là khẳng định của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Trần Thị Thái trong chương trình đồng hành cùng nhân dân kỳ thứ 2 với chủ đề “Nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo nghề”, được tổ chức vào tối ngày 27/10 trên sóng Đài Truyền hình Đồng Tháp.

Chương trình còn có sự tham gia của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hồ Văn Thống, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Bùi Thành Nhơn.

Với thời lượng 60 phút, chương trình tập trung vào 03 vấn đề nổi cộm hiện nay, đó là nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo nghề và dạy thêm, học thêm. Khán giả đã gửi rất nhiều ý kiến đến chương trình, tuy nhiên quan tâm nhiều nhất vẫn là vấn đề dạy thêm, học thêm. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thị Thái nhấn mạnh: dạy thêm, học thêm là 01 nhu cầu thực sự cần thiết đối với việc vá lỗ hổng kiến thức cho học sinh có học lực yếu và rèn luyện học sinh khá, giỏi.

Tuy nhiên, thời gian qua, tình trạng dạy trước chương trình kéo theo các hệ luỵ là học sinh lười suy nghĩ, giáo viên thiếu nhiệt tình khi giảng dạy trên lớp và những học sinh không có điều kiện học thêm dễ bị rớt sau so với những học sinh khác đang là vấn đề nhức nhối.

Trước thực trạng trên, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 33 nhằm chấn chỉnh công tác dạy thêm, học thêm. Đây là quyết định hoàn toàn đúng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thị Thái khẳng định - nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những tiêu cực, để việc dạy thêm, học thêm đi vào nề nếp, tạo sự công bằng trong giáo dục. Còn về việc lùi hiệu lực thi hành là tránh thay đổi đột ngột, cho phụ huynh và giáo viên có sự chuẩn bị để quy định đi vào thực tế thuận lợi với mọi đối tượng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết thêm.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thị Thái giải đáp thắc mắc của người dân tại buổi đối thoại

Tại buổi đối thoại, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hồ Văn Thống cũng đưa ra thông tin, hàng năm có 10.000 học sinh, chiếm khoảng 26% trong tổng số học sinh không được tiếp tục học lên cao đẳng, đại học do năng lực hạn chế và cơ chế phân luồng học sinh. Điều đáng lo ngại là lực lượng này tham gia trực tiếp vào lao động sản xuất mà không qua đào tạo nghề.

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thị Thái nêu quan điểm: không nhất thiết phải học đại học mới có tương lai mà khi chọn nghề, nếu người học biết kết hợp giữa khả năng với nhu cầu thực tế của xã hội thì dù học nghề vẫn có thể tìm được việc làm ổn định.

Giải thích rõ hơn về các chế độ, quyền lợi khi học nghề, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Bùi Thành Nhơn cho biết: nhà nước sẽ hỗ trợ học phí, người học chỉ phải đóng khoảng 1,5 triệu đồng/năm đối với hệ cao đẳng, 1,3 triệu đồng/năm đối với hệ trung cấp và hỗ trợ hoàn toàn học phí đối với các đối tượng học sơ cấp nghề và học nghề dưới 03 tháng.

Ngoài ra, học viên còn được tạm hoãn nghĩa vụ quân sự, học liên thông lên trình độ cao hơn, được cấp học bổng, trợ cấp xã hội theo quy định, được xét thi đua khen thưởng trong quá trình học, miễn, giảm học phí, vay vốn học nghề, được tư vấn và giới thiệu việc làm.

Theo kế hoạch, năm 2013, tỉnh chủ trương đào tạo cho 21.000 lao động, bao gồm: 1.500 chỉ tiêu hệ cao đẳng, 3.700 chỉ tiêu hệ trung cấp và 15.800 chỉ tiêu hệ sơ cấp nghề. Đây sẽ là điều kiện thuận lợi cho lao động trên địa bàn tỉnh nâng cao trình độ và tìm được việc làm ổn định.
 

Xem chương trình Đồng hành cùng nhân dân kỳ 2:

Get Adobe Flash player

Như Ý

(Nguồn Cổng TTĐT Đồng Tháp)

Share
Các tin liên quan:
Các tin mới:
Các tin khác: