Trình độ học vấn hay trình độ văn hóa? |
Thứ năm, 14 Tháng 6 2012 00:13 |
Trong cuộc đời mỗi chúng ta, khi lớn lên, thế nào cũng ít ra vài ba lần phải kê khai lý lịch. Vấn đề là ở chỗ, trong mẫu kê khai thế nào cũng có mục “trình độ văn hoá”.Thực ra, mục này cần phải sửa thành trình độ học vấn mới đúng. Bởi vì, nếu khai trình độ văn hoá là lớp 10 hay đại học thì sẽ gây ra nhiều chuyện nực cười. Do đây là hai khái niệm nhìn bề ngoài tưởng như giống nhau đến mức có thể thay thế nhau trong những trường hợp nào đó. Nhưng nếu đánh đồng chúng với nhau thì hoàn toàn không được. Xét kỹ hơn ta thấy, khái niệm văn hoá và học vấn tuy có sự gắn kết mật thiết với nhau, song văn hoá là khái niệm cực kỳ rộng không thể lấy nó để thay cho khái niệm học vấn. Sở dĩ nói, nếu đánh đồng chúng với nhau có thể gây ra ra bi hài vì trong nhiều trường hợp chúng ta thấy dưới đây. Có những người có trình độ tốt nghiệp đại học, thậm chí là GS, TS .. đôi khi vẫn bị những người không biết chữ chê là thiếu văn hoá, hay nặng hơn là vô..văn hoá đó sao? Song cũng có người ít học hoặc không biết chữ vẫn được người đời coi là lịch lãm, có văn hoá? Trước đây, tác giả Nguyễn Đình Thi đã từng coi những tên thực dân Pháp học thức cao cầm súng bắn giết những người dân lành nước ta, là quân dã man, vô văn hoá là gì? Để lý giải những nghịch lý trên, chúng ta cần mổ xẻ sự liên hệ giữa hai khái niệm đó, nhằm tránh nhầm lẫn sau này. Trước hết văn hoá là khái niệm rất rộng và khá phức tạp. Được biết cho đến nay, đã có không dưới 400 định nghĩa khác nhau về văn hoá nhưng vẫn chưa có sự nhất trí cao trong các học giả thế giới. Có thể hiểu một cách phổ cập nhất: những gì gắn với con người và cái gì do con người sáng tạo ra – chính là văn hoá. Từ đó, có thể chia ra văn hoá vật chất và văn hoá tinh thần là hai lĩnh vực rộng lớn mà con người hoạt động. Chia nhỏ ra còn có thể có văn hoá vật thể và phi vật thể. Theo cách phân chia đó, thì học thức, học vấn chỉ là một bộ phận rất nhỏ thuộc về lĩnh vực tinh thần của con người. Nếu quan trọng hoá vấn đề lên, có thể coi học vấn là thành tố khá quan trọng của văn hoá con người. Dĩ nhiên, người có học vấn cao, sẽ có cơ sở để dễ tiếp nhận văn hoá hơn là người có học vấn thấp. Song nếu tuyệt đối hoá vấn đề học vấn, đến mức coi nó có thể thay thế được văn hoá thì sẽ sa vào sai lầm lớn. Do văn hoá, ngoài học vấn ra còn bao trùm vô số những nội dung khác thuộc về con người như: phong tục, tập quán, ngôn ngũ.. và nhiều thành tố khác nữa thuộc về con người.Vì thế, có trường hợp ngay cả người không biết chữ nhưng thông thạo các lĩnh vực thuộc về con người từng vùng, từng địa phương- vẫn được coi là có văn hoá. Trong khi, có những người có học vấn cao như nói trên, song khi tiếp cận đến một vùng văn hoá mới mà họ không thông thạo, hoặc bỏ qua các lễ nghi, phép tắc của địa phương đó, lập tức sẽ bị coi là vô văn hoá hay thiếu văn hoá. Do đó, cần phải phân biệt rạch ròi giữa hai khái niệm này để tránh nhầm lẫn. Vấn đề nhầm lẫn trên tưởng như đã được giải quyết từ lâu. Thế nhưng, thật đáng ngạc nhiên, hiện nay trong các mẫu kê khai lý lịch vẫn ..như những năm 60 của thế kỷ trước, khái niệm trình độ văn hoá vẫn mặc nhiên bị thay cho trình độ học vấn, nghĩa là sau gần trăm năm tình hình vẫn như cũ. Thậm chí trong cuộc thi Hoa hậu nổi tiếng và mang nhiều tai tiếng mới đây do báo Tiền Phong tổ chức, khái niệm trình độ văn hoá vẫn ..chễm chệ thay cho khái niệm trình độ học vấn. Điều đáng nói, đây cũng chính là điểm nhấm dẫn đến Ban tổ chức cuộc thi bị phê bình là cầm đèn chạy trước ô tô và gây ra hệ luỵ đáng tiếc cho Hoa hậu Việt Nam- người Đà Nẵng, không được đại diện cho phái đẹp nước Việt đi thi hoa hậu thế giới. Cần thấy rằng, học vấn và văn hoá, tuy có sự gắn bó mật thiết với nhau song không thể thay thế cho nhau. Học vấn hay học thức nói lên người ta học ở trình độ nào? cấp nào? lớp mấy? Như đã nói trên, người có học vấn cao nhưng vẫn chưa chắc được coi là có văn hoá. Trong khi, văn hoá là lĩnh vực rất rộng lớn, bao trùm nhiều lĩnh vực thuộc về con người và xã hội loài người. Có nhiều người có thể khá về một lĩnh vực nào đó nhưng khi có vinh dự được trả lời phỏng vấn để phát ra cho công chúng thưởng lãm thì người nghe chỉ có nước... bịt tai. Không ít các cuộc thi hoa hậu ở nước ta, khi nghe các người đẹp trả lời ứng xử đã gặp phải trường hợp này. Hay một nữ ca sỹ đang lên ở TP HCM, người miền Trung, khi trả lời phỏng vấn trong một chương trình ca nhạc được truyền trực tiếp năm kia, đã được khán giả truyền hình ..khen là vốn văn hoá quá ..ngắn, mặc dù trước đó cô ta đã học xong một trường Cao đẳng âm nhạc. Ngoài ra, không ít các nhân vật trong giới văn nghệ sỹ, nhất là giới ca sỹ khác hiện nay, có lẽ do hết cách đánh bóng danh tiếng của mình đang tự giới thiệu thứ văn hoá sexy trong cách ăn mặc khi biểu diễn, mà không tiện nêu tên ở đây. Hoặc mới đây, cư dân mạng kháo nhau việc một GS văn học khá tên tuổi, được phong khá nhiều danh hiệu cao quý lúc tại chức nhưng lúc về hưu lại viết một cuốn hồi ký đầy tai tiếng, bêu riếu nhiều người đã chết hoặc đang sống, hành vi này cũng bị người đời coi là ít..văn hoá. Có lẽ điều đầu tiên cần nhắc lại là, các nhà sáng tác biểu mẫu, văn bản cần kiên quyết dùng khái niệm trình độ học vấn thay cho khái niệm trình độ văn hoá khi kê khai lý lịch. Vì đây là lĩnh vực phổ biến mà hầu như người nào cũng phải khai báo khi lớn lên và đi làm. Có học là điều kiện quan trọng để trở thành người có văn hoá. Nhưng để là người có văn hoá đúng nghĩa, ngoài việc không ngừng nâng cao học thức, con người cần không ngừng học hỏi rất nhiều các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội. Đó là quá trình không đơn giản ngay một lúc có thể nắm bắt được. Trong một biển cả mênh mông vô vàn các lĩnh vực tri thức của nhân loại, may lắm chúng ta chỉ có thể nắm được một địa hạt cụ thể nào đó và cố gắng nắm bắt những tri thức văn hoá chung tối thiểu, để không bị coi là người..thiếu văn hoá. Hơn thế, mỗi vùng, mỗi miền... xa hơn là mỗi nước lại có những đặc điểm văn hoá khác biệt nhau, thậm chí đối lập nhau, nên khi tiếp nhận văn hoá cần chú ý đến tình hình cụ thể đó, tránh việc đánh đồng tất cả như nhau. Chẳng hạn, đối với người đàn ông Việt Nam lấy quá một vợ bị coi là phạm luật nhưng với người đàn ông theo đạo Hồi phải lấy đủ bốn vợ mới đủ tư cách đàn ông.Thế giới là một biển cả rộng lớn. Mỗi một nền văn hoá là một dòng chảy riêng biệt trước khi hoà vào biển lớn trong cuộc chơi chung có tên: toàn cầu hoá. Cần phải giữ gìn được bản sắc riêng để không bị hoà tan và quan trọng hơn là chống đồng hoá về văn hoá.
TS. Trần Hồng Lưu (Khoa Mác-Lênin, Đại học Kinh tế Đà Nẵng, 71 Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) Các tin mới:
Các tin khác:
|