Chủ nhật, 10 Tháng 11 2024
Trang chủ
Từ Ý Nghĩa Của Cuộc Vận Động, Đến Giá Trị Tư Tưởng Và Nghệ Thuật Của Truyện Ngắn
Thứ tư, 02 Tháng 10 2024 11:06

1. Từ khi cầm bút đến nay, Kim Thắm đã viết hơn 30 truyện ngắn. Con số ấy dù chưa phải là nhiều, nhưng so với các cây bút khác ở Đồng  Tháp thì Kim Thắm là người viết nhiều và viết có nội lực nhất. Trong các truyện ngắn chị đã đăng, đáng chú ý nhất là các tác phẩm: Mùa cất vó ( 2018), Đất khát ( 2020), Mùa bông gáo vàng ( 2022).

Cả ba truyện đều đạt Giải A trong cuộc thi viết quảng bá về cuộc vận động “ Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” của tỉnh Đồng Tháp. Nói một cách nào đó, thì đây là một “kỳ tích” của cây bút nữ, có giọng văn rất hiền của đất sen hiện nay.

 

Thực ra, Kim Thắm viết được nhiều thể loại như: truyện ngắn, truyện dài,  tản văn, thơ. Nhưng thể loại chị yêu thích nhất chính là truyện ngắn. Chị đã xuất bản hai tập truyện “ Gió thổi sau hè”( 2020) và “ Mùa bông gáo vàng” ( 2023 ). Điều đó cho thấy Kim Thắm là người có sở trường về thể loại truyện ngắn. Chính truyện ngắn làm nên dấu ấn ngòi bút của chị. Trong cuộc thi viết truyện ngắn Đồng bằng sông Cửu Long năm 2023, chị đạt giải khuyến khích. Gần đây, truyện ngắn của Kim Thắm cũng xuất hiện đều đặn trên Tạp chí Văn nghệ thành phồ Hồ Chí Minh và Tạp chí Văn nghệ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Tài năng viết truyện ngắn của Kim Thắm đã rõ, nhưng chị không xem việc sáng tác là một nghề kiếm sống, hay trở thành một người viết văn chuyên nghiệp. Chị là giáo viên dạy môn Hóa học ở trường THPT Cao Lãnh 1, công việc chính của chị là giảng dạy. Nên Kim Thắm là một hiện tượng lạ của văn chương Đồng Tháp. Không ít người ngạc nhiên, đặt câu hỏi: làm sao Kim Thắm có thể viết được những tác phẩm văn chương hơn người và đạt giải cao nhất trong cả 3 đợt của cuộc thi?

Thực ra, Kim Thắm viết truyện ngắn trước hết là để thỏa mãn sự đam mê văn chương, nhưng cũng vì lòng trắc ẩn. Truyện ngắn đã trở thành thế giới nội tâm phong phú, nuôi dưỡng và che chở tâm hồn chị, cả lúc mỉm cười hay khi bị tổn thương trong cuộc đời, chị viết truyện là để xoa dịu lòng mình. Bởi chị là một người sống nội tâm, viết truyện ngắn, thật ra như một cách để chị kết nối tâm hồn với mọi người và cỏ cây hoa lá, để chị có được sự giao cảm, giao tiếp hoan hĩ nhất; viết truyện ngắn cũng để chị chia sẻ những trải nghiệm nhiều màu sắc còn lưu giữ rất đậm trong kí ức, với những thăng trầm, vui sướng, thành công và thất bại đan xen với nhau. Nhưng có lẽ trên hết, chị muốn in dấu ấn của một người luôn trân quý đất quê và người quê trong dòng chảy của chiến tranh và trong giai đoạn đổi mới đất nước. Chị luôn dõi theo những biến động của quê hương và những người sống khuất lấp nơi xóm làng, đồng ruộng im ắng. Những khám phá trong truyện ngắn của Kim Thắm không gì khác là nhằm hướng đến việc xây dựng vẻ đẹp tâm hồn con người biết sống chan hòa nhân ái; biết yêu lao động, biết cống hiến và sẵn sàng hi sinh. Chị tập trung ngòi bút khám phá các khía cạnh của vẻ đẹp ấy ở mọi đối tượng khác nhau. Trong mỗi truyện ngắn của mình, Kim Thắm cố gắng làm cho vẻ đẹp rất đỗi bình dị thân thương của người lao động được tỏa sáng, nhưng không phải theo cách chói chang, hay lên gân, ồn ào như một số cây bút khác muốn gây sự chú ý của dư luận. Chị tập trung sự chú ý của mình vào tình huống và khoảnh khắc có ý nghĩa nhân văn, có thể toát lên tư tưởng sống cao đẹp, có tính chất giáo dục và điều chỉnh lối sống con người, gắn với nét văn hóa đặc thù của vùng miền.  Do đó, truyện ngắn của Kim Thắm có tác động tích cực và phù hợp với tinh thần cuộc vận động đang diễn ra.

Thiết nghĩ, cuộc thi viết về cuộc vận động “ Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh” đã tạo nên ý tưởng sáng tạo và động lực của ngòi bút Kim Thắm. Bởi đó là bối cảnh, là bước ngoặc và là cơ hội để chị thể hiện rõ vai trò trách nhiệm của người nghệ sĩ đối với địa phương Đồng Tháp. Khi niềm đam mê văn chương được đánh thức, đi cùng với nhận thức, ý thức về trách nhiệm cao của cá nhân người nghệ sĩ, nó sẽ tác động mạnh mẽ đến sự khám phá sáng tạo nghệ thuật. Nó kích thích cảm hứng sáng tạo nghệ thuật và nghệ thuật được tạo ra tác phẩm có giá trị với độ sâu và độ rộng tương ứng. Tác phẩm ra đời sẽ phục vụ sát sao nhiêm vụ chính trị và nhu cầu tâm hồn con người, cũng như những nhu cầu khác của xã hội. Ở phương diện này, Kim Thắm là người có nhiều đóng góp.

Nhìn lại bối cảnh đất nước những năm 1960, khi miền Bắc thực hiện chủ trương lớn của Đảng trong xây dựng đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội và giai đoạn miền Bắc bắt tay thực hiện kế hoạch hóa 5 năm lần thứ nhất, thì văn học Việt Nam lại chứng kiến hàng loạt những tên tuổi và tác phẩm giá trị ra đời, có thể kể đến như: Mùa Lạc ( Nguyễn Khải ); Sông Đà ( Nguyễn Tuân )... Và trong giai đoạn đổi mới đất nước cũng vậy, chúng ta được chứng kiến hiện tượng hàng loạt những cây bút viết truyện ngắn tên tuổi như: Nguyễn Huy Thiệp (Tướng về hưu); Nguyễn Minh Châu ( Chiếc thuyền ngoài xa ). Rõ ràng, chính bối cảnh chính trị và đời sống mới đã đặt ra nhiệm vụ cấp bách đối với văn học Việt Nam và tạo nên sự chuyển động, chuyển mình, làm cho nền văn học Việt Nam trở nên nhộn nhịp, trong đó có thể loại truyện ngắn. Đối với Kim Thắm cũng vậy, chị hưởng ứng cuộc vận động có tính chất chính trị. Nhưng trên hết là sự nhiệt tình, là tấm lòng của người nghệ sĩ, tích cực hưởng ứng cuộc vận động, với quyết tâm tạo ra những tác phẩm có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật đích thực, để phục vụ cho nhiệm vụ cách mạng đang đặt ra, trong giai đoạn chuyển mình hội nhập của địa phương và đất nước nói chung.

Được biết, không chỉ riêng tỉnh Đồng Tháp, cuộc thi viết về cuộc vận động “ Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh”diễn ra trên khắp cả nước. Nhưng ở Đồng Tháp tập trung vào chủ đề có tính đặc thù, phản ánh thật sát sao hình ảnh con người Đồng Tháp, nghĩa tình, năng động, sáng tạo. Cả 3 đợt phát động, tổ chức cuộc thi, địa phương lại đón nhận những gương mặt mới và những tác phẩm mới. Ngoài Kim Thắm, có thể kể đến các cây bút khác như: Thanh Bình ( Miền đất lở); Hồ Văn ( Đất quê); Nguyễ Lệ Ba( Ngồi lại với trăm năm); Nguyễn Ngọc Minh Hoàng, Thu Truyền, Lê Sắc Mi, Nguyễn Thị ThuỳTrang…Họ viết truyện ngắn như một cách để quảng bá hình ảnh quê hương và con người Đồng Tháp trong hành trình xây dựng, hội nhập, phát triển; họ thể hiện nhiệm vụ chính trị của người nghệ sĩ bằng nhận thức và tư duy đổi mới; họ đã nghệ thuật hóa chủ trương của Đảng bằng thể loại truyện ngắn cũng giống như Kim Thắm. Và tác phẩm của họ góp phần vào việc quảng bá hình ảnh quê hương, con người Đồng Tháp nghĩa tình, năng động, sáng tạo, cùng hợp sức với ngòi bút Kim Thắm, tạo nên bức tranh mới, thúc đẩy truyện ngắn Đồng Tháp phát triển và thay đổi về số lượng và chất lượng trong những năm qua.

Nói cách khác, khi viết những truyện ngắn để làm phong phú cuộc vận động, cá nhân Kim Thắm đã là người hiểu rất rõ những vấn đề cấp bách đặt ra đối với người cầm bút. Nhưng để cho mỗi truyện ngắn của mình thêm sinh động, hấp dẫn và giàu ý nghĩa, thiết thực trong bối cảnh của cuộc vận động, thì Kim Thắm đã biết phát huy ưu thế về tư duy và sở trường viết truyện ngắn. Chị làm mờ hóa cái ranh giới giữa nghệ thuật với hiện thực. Nghĩa là, thế giới Kim Thắm tạo ra trong truyện ngắn rất gần với đời sống con người. Những câu chuyện chị kể trong truyện như mới vừa nhặt được ở đâu đó; sự việc, sự kiện  như mới vừa xảy ra, vẫn còn nóng hôi hổi. Kim Thắm làm cho truyện ngắn của mình có tính thời sự và luôn lăn theo dòng chảy của đời sống xã hội hiện nay.

Đặt truyện ngắn của Kim Thắm trong ý nghĩa của cuộc vận động, truyện trở thành một kênh giao tiếp bổ ích đối với bạn đọc. Đó sẽ là một kênh giao tiếp thú vị nhất, bởi người đọc được tác giả chia sẻ những trải nghiệm quý báu về đời sống. Bạn đọc sẽ được tiếp cận, học tập, bồi dưỡng cái đẹp, nâng cao tâm hồn, nhất là sự định hướng lối sống đẹp. Ngôn ngữ truyện và cách tác giả trần thuật đã làm cho những thứ ấy trở nên dễ hiểu hơn và có sức cảm hóa sâu sắc. Đó là sức mạnh của ngòi bút Kim Thắm. Trong cuộc vận động, chúng ta có nhiều lựa chọn phương thức tuyên truyền, nhưng tuyên truyền  sao cho lay động tình cảm con người, sao cho chuyển biến ý thức, nhận thức con người thì việc tuyên truyền vận động mới có hiệu quả thiết thực. Bài học từ những tấm gương người tốt được thấm sâu vào trái tim mỗi người. Tuy nhiên, không ít người hiện nay do chưa hiểu đặc trưng của truyện ngắn, nên xem truyện ngắn chỉ là những câu chuyện bịa. Họ không hiểu được truyện ngắn là tiếng nói gián tiếp và trực tiếp của người cầm bút; truyện ngắn là tâm huyết của người nghệ sĩ, góp phần vào việc tuyên truyền, cổ vũ con người trau dồi đạo đức, lối sống; truyện ngắn là nơi kết tinh vẻ đẹp con người; góp phần  gìn giữ, quảng bá bản sắc văn hóa, con người Đồng Tháp nghĩa tình, năng động, sáng tạo. Ở phương diện này, truyện ngắn thường bị hạn chế ít nhiều tùy vào quan điểm của người đọc. Rất có thể các truyện ngắn đạt giải của Kim Thắm cũng gặp phải trường hợp bạn đọc tiếp nhận theo kiểu thực dụng và xã hội học như vậy.

2. Ở một phương diện khác, truyện ngắn Kim Thắm tập trung khắc họa thành công kiểu nhân vật nêu gương. Với kiểu nhân vật ấy, tác giả xây dựng thành mô hình tự sự và chi phối sâu sắc trong hầu hết các tác phẩm chị đã viết.

Khái niệm Nhân vật nêu gương được hiểu là:  nhân vật ngay khi sống và khi chết đều để lại tấm gương sáng trong suy nghĩ và hành động. Kiểu nhân vật ấy tạo nên chỉnh thể thống nhất trong Gió thổi sau hèMùa bông gáo vàng của Kim Thắm. Người đọc không khó để nhận ra đặc điểm của nhân vật nêu gương: họ được sinh ra và lớn lên từ bờ ruộng mảnh vườn; họ là những người miền tây chính gốc, chính hiệu; họ mang phẩm chất và tính cách chung của con người Nam bộ: sống phóng khoáng, thiện lương và rất giàu nghĩa khí. Họ thường được tác giả đặc tả qua không gian làng quê và dòng chảy thời gian biến thiên thăng trầm: quá khứ - hiện tại - tương lai. Nhưng các góc thời gian và không gian có sự kết nối chặt chẽ với nhau theo hướng: truyền thống là nền tảng tạo nên phẩm chất, tính cách con người trong hiện tại. Đó như một cách để tác giả truyền tải thông điệp nghệ thuật: mỗi người cần gìn giữ truyền thống tốt đẹp dẫu đứng trước một thực tại phức tạp với nhiều cám dỗ. Nhưng dù có trần thuật ở góc không gian và thời gian nào đi chăng nữa, thì Kim Thắm vẫn giữ cho mình cách miêu tả thật tỉ mỉ, gần gũi, thân quen và rất nhẹ nhàng. Nhiều lúc tôi cứ tưởng chị kể lại câu chuyện có thật về người thân, bạn bè và người hàng xóm của chị.  Kim Thắm thích gọi họ bằng những cái tên rất đỗi dân dã, quê mùa như: chú tư, cô út, chị hai, anh ba, nhỏ An, thằng Tèo… Đó là cách gọi của người dân miền tây về người thân của mình, hoặc gọi những người mình yêu quý nhất. Những người ấy bước khẽ khàng vào trang sách của Kim Thắm trong hình ảnh con người đời thường, với phận đời nhỏ bé, nghèo khó và nhiều thăng trầm; cuộc đời  của họ bị khuất lấp, nhưng hành trình đời sống của họ luôn ghi dấu son; họ thầm lặng dự một phần xương máu, mồ hôi của mình trong chiến đấu và trong lao động; họ không đặt ra bất cứ điều kiện gì; họ làm xong một công việc nào đó có ích, rồi lại trở về với gia đình, sống hòa hợp với cộng đồng. Kim Thắm muốn truyền đi thông điệp nghệ thuật sống đẹp của con người quê và người trí thức nêu gương, sống giản dị và sống ý nghĩa như thế.

Ranh giới giữa nghệ thuật và đời thực đôi khi rất mong manh. Không ít tác giả truyện ngắn cố gắng làm cho hai thế giới ấy hòa nhập với nhau là một, nhưng điều đó thật không dễ. Khi xây dựng hình tượng nghệ thuật, Kim Thắm cố gắng làm mờ hóa nhân vật nêu gương vốn là sự hư cấu, nhưng cách đặt tên nhân vật, đi cùng với cách chị trần thuật, rất dễ làm cho người đọc hiểu như chị đang kể câu chuyện đời có thật. Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh đến cách khai thác chất liệu văn học và cách phản ánh hiện thực trong truyện ngắn của Kim Thắm, có những chỗ khác biệt so với người khác. Chị viết từ sự trải nghiệm đời sống hơn là sự tưởng tượng về đời sống. Do đó, thế giới trong truyện ngắn của Kim Thắm là thế giới của sự lắng đọng, của tư duy tổng hợp sự kiện từ hiện thực, nhất là sự quan sát tinh tế của tác giả trong hành trình xuyên qua đời sống thực. Nên khi đọc, không ít người cứ nghĩ mình đã gặp những nhân vật nêu gương ở đâu đó rồi. Đây chính là yếu tố tích cực và thuyết phục của truyện ngắn Kim Thắm và được tác giả duy trì như phần lỏi lấp lánh của truyện. Nói một cách khác, nhân vật nêu gương được Kim Thắm kiên trì xây dựng thành hình tượng và thành một thương hiệu hình tượng cho thể loại truyện ngắn của mình. Đối với nhà văn dù là không chuyên hay là chuyên nghiệp, trong hành trình sáng tạo nghệ thuật của mình điều cần nhất là xây dựng cho riêng mình thương hiệu hình tượng nghệ thuật. Nếu không có thương hiệu hình tượng nghệ thuật thì cũng chỉ dừng lại ở vị trí bình thường mà thôi. Nhân vật nêu gương trong truyện ngắn của Kim Thắm là một kiểu thương hiệu hình tượng nghệ thuật. Kim Thắm dùng thương hiệu ấy để quảng bá về con người Đồng Tháp nghĩa tình, năng động, sáng tạo. Thật ý nghĩa cho điều đó.

Tiếp cận chi tiết hơn về nhân vật nêu gương trong truyện ngắn của Kim Thắm, tôi có ấn tượng rất đẹp về con người miền tây, trong đó có con người Đồng Tháp, nhất là nhân cách sống của họ: họ tự nguyện đi vào chiến tranh, nhưng không nuôi tham vọng khi chiến tranh kết thúc sẽ làm được ông này bà nọ, để được sang giàu. Trong chiến tranh, họ chỉ biết dốc hết sức mình với đồng đội, lặng lẽ âm thầm trong chiến đấu và hy sinh; khi hòa bình và đổi mới, họ dốc hết sức lực để học tập, đổi đời; khi gặp cảnh ngộ khó khăn, họ nổ lực, dựa vào xóm làng, gia đình, tự tin vươn lên, không đỗ thừa cho số phận; họ nhanh chóng đổi mới để trở thành người nông dân kiểu mới; họ sống chuẩn mực, làm gương cho con cháu; họ sống có có mục tiêu và biết cống hiến một phần của đời mình cho quê hương xứ sở; họ không khát khao lập kì công, mà làm những việc đời thường, nhưng có ý nghĩa với cộng đồng và sự phát triển của tương lai. Những điều như vậy vẫn còn giá trị sâu sắc đối với chúng ta hôm nay.

Nói một cách khác, kiểu nhân vật nêu gương trong truyện ngắn của Kim Thắm đều nêu cao lòng tự trọng và ý thức cá nhân, nhưng cá nhân không thái hóa về mặt ý thức; cá nhân luôn biết cách giải phóng mình ra khỏi ranh giới của số phận, không đầu hàng số phận; cá nhân không ương hèn, ích kỷ, vụ lợi. Ngược lại,  cá nhân sống vị tha, thấu hiểu và bao dung; cá nhân có tình yêu trong sáng; cá nhân có lòng kiên trì khi thực hiện một công việc khó khăn, phức tạp hay đứng trước nghịch cảnh. Họ có khả năng làm chủ cuộc sống và hạnh phúc của mình.

Đọc truyện ngắn của Kim Thắm, tôi nhận thấy mỗi nhân vật của chị đều mang bên trong nguồn năng lượng sống tích cực trước những biến cố hay các tình huống xấu. Họ làm cuộc bức phá vươn tới giá trị đích thực; chọn cách sống, cách ứng xử vừa hòa hợp cộng đồng, với thiên nhiên và làm chủ tự nhiên. Họ có một vai trò lớn trong xây dựng đời sống ấm no, hạnh phúc của riêng mình. Mỗi nhân vật của Kim Thắm do đó đều có sức cổ vũ mạnh mẽ đối với những ai đang bị khuyết mòn số phận, đối với những ai đang nuôi dưỡng niềm tin và hy vọng vươn tới các giá trị cao đẹp của đời sống. Nổi bật nhất trong số họ là nhân vật người phụ nữ, nhân vật người trí thức...Họ luôn để lại tấm gương sáng cho mọi người soi chiếu cuộc đời mình. Dường như nhân vật phụ nữ cũng phản chiếu hình tượng tác giả? Hầu hết truyện ngắn của Kim Thắm đều có bóng dáng người phụ nữ. Họ tạo nên hình tượng nghệ thuật, chứa đựng bên trong tư tưởng của tác giả về thân phận và sự tiến bộ của người phụ nữ. Chị dường như muốn khẳng định xã hội cần quan tâm nhiều hơn về người phụ nữ, phụ nữ là một thế giới phong phú nhất để văn học khám phá cái đẹp. Nhất là tiếng nói khẳng định vị trí, vai trò, chỗ đứng của người phụ nữ trong đời sống xã hội và xã hội cần nâng niu, ghi nhận những đóng góp của họ. Chọn nhân vật phụ nữ làm nhân vật trung tâm trong truyện ngắn, Kim Thắm xác định rõ hơn vị thế của người phụ nữ trong giai đoạn mới; sự nổ lực đổi đời của họ là một bài ca tuyệt đẹp. Chúng ta cần sự lan tỏa hình ảnh người phụ nữ trong đời sống hôm nay. Đó là mục đích sáng tác và là điểm mới trong truyện ngắn của Kim Thắm trong cuộc vận động. Mỗi tác phẩm của chị thấm nhuần tư tưởng nhân văn và tiến bộ. Tất cả đều hướng tới sự tiến bộ của mỗi cá nhân và sự phát triển của cộng đồng, trong đó có người phụ nữ.

Ngòi bút của Kim Thắm thường hướng người đọc đến giải pháp giải quyết xung đột đời sống bằng quan điểm hòa ái, tha thứ, bao dung, sống cao thượng, tôn trọng sự giản dị, chân thành. Nhân vật nêu gương của Kim Thắm chỉ muốn sống hết mình, chết hết mình và cống hiến hết mình. Và họ không chờ đợi sự ghi nhận, tri ân. Họ muốn sống có ích, chết có ích và tất cả những gì họ làm là “ để gió cuốn đi”. Cho nên, đặc điểm xung đột tình huống trong truyện thường được giải quyết theo hướng mềm hóa và khá đơn giản. Đôi khi những điều như vậy, một số bạn đọc lại có chút hoài nghi về việc Kim Thắm lí tưởng hóa đời sống và các giải pháp giải quyết xung đột trong đời sống. Họ hoài nghi về giải pháp giải quyết đơn giản, một chiều như tác giả đã hư cấu trong các truyện. Trong Thực tế xung đột con người trong đời sống xã hội rất phức tạp và đa chiều. Người tốt có khi phải chịu thương tổn, mất mát; người tốt có khi phải loanh quanh trong những phi lí, nghịch lí và oan khuất; hạnh phúc đôi khi lại không đến với họ. Nhưng Kim Thắm là người sống bằng niềm tin, nên thích đặt vào nhân vật nêu gương của mình vào niềm tin tốt đẹp, chị tin tưởng chân lí chiến thắng, chị tin tưởng vào sự nổ lực, sự  phấn đấu của con người làm thay đổi cuộc đời. Nó khá giống với con người của chị ngoài đời vậy, chị cũng là người phụ nữ vươn lên từ nghịch cảnh, với những xung đột nội tâm dữ dội. Tôi thích nhất giải pháp chị đặt ra trong truyện ngắn: con đường học vấn đầy khó khăn, nhưng đó là con đường cải thiện được số phận; chị tin vào những  nghĩa cử cao đẹp có sức cảm hóa người khác. Những niềm tin tích cực như vậy, chúng ta không thể phủ nhận sức mạnh của nó trong đời sống.

Dẫu có người vẫn không chấp nhận sự giả định sự việc và cách giải quyết sự việc có tính một chiều của tác giả trong truyện ngắn. Không sao cả, trong văn chương, nhà văn với vai trò là người dẫn đường, người nắm bắt hiện thực, giải thích những biến cố của quy luật đời sống bằng những hình tượng nghệ thuật, với những đề xuất có thể, mặc dù nó không hoàn toàn giống với thực tại đi chăng nữa. Nhà văn không thể nào làm thỏa mãn tất cả mong muốn. Đương nhiên, su75pha3n ánh của nhà văn phải rất thật, nhưng không giống như nhà nhiếp ảnh chụp một bức hình đối với hiện thực được nhìn thấy, như một số của bạn đọc đặt ra. Những người như vậy chưa hiểu rõ về văn chương, muốn văn chương giống hệt sự thật ngoài đời. Đó là sự phi lí.

Trước sau, tôi rất thích cách viết, cách phản ánh đời sống về người nêu gương của Kim Thắm trong hai tập truyện, trong đó có 3 truyện ngắn đạt Giải A, viết về cuộc vận động. Chị vẫn giữ vững quan điểm nghệ thuật, chọn người nêu gương làm hạt nhân tuyên truyền về lối sống đẹp.  Ngòi bút của chị mài mò đi tìm cái đẹp của con người. Chị thản nhiên men theo đường biên của đời sống và biết dừng lại chụp lấy những đóm sáng trong bóng tối, rồi nhanh chóng phác thảo chân dung con người trong những nét mộc mạc, đơn giản; chị có biệt tài kết đọng những hình ảnh mong manh từ kí ức xa xôi nơi xóm làng mình, rồi nâng lên thành hình ảnh khái quát về người nông dân, người trí thức, thành chân dung con người của tương lai. Vậy là được rồi, truyện bây giờ đâu cần đến những thứ to tát cao siêu hoặc nhằm lí tưởng hóa cho tinh thần chung của thời đại; truyện bây giờ phải gần với đời thường, nó phải là lát cắt đời sống, tập trung vào những gì đang vận động, phát triển. Kim Thắm trước sau vẫn là cây bút có xu hướng thế sự, mang thế giới sự sống từ quá khứ nhập vào hiện tại. Cách viết tôn trọng sự thật về người tốt là đặc điểm nổi bật, mà cũng là cái đặc sắc ở 3 truyện ngắn đạt Giải A của Kim Thắm.

Tôi không thể chi tiết hóa tất cả nhân vật người nêu gương trong hai tập truyện ngắn của Kim Thắm, nên chỉ tập trung vào các truyện ngắn mà Kim Thắm đã đạt giải trong các đợt của cuộc thi. Ví như nhân vật đôi bạn nghèo Thổ và Sa trong truyện Mùa cất vó ( tập Gió thổi sau hè). Họ là thanh niên nông thôn, sống có hoài bảo, có quyết tâm. Trong con mắt của nhân vật Nhãn, thì Sa là một người sống độc lập, giàu lòng tự trọng: “ Sa đâu có cần dựa dẫm vào ai? Cô có học, là người hiểu biết, đi dạy rồi còn làm vườn, còn nuôi mẹ, chắc cũng vất vả nhiều nhưng lúc nào cũng thấy cô vui và quan tâm đến rất nhiều người khác”. Còn đối với Thổ, trong mắt của Sa là một người con trai sống có ý thức và trách nhiệm với quê hương, xóm làng, khi thấy “ con đường ngày càng bị khoét sâu thì anh tự trồng thêm nhiều cây bần dọc bờ sông và vận động bà con trong xóm cùng trồng để ngăn đất lở. Thổ cùng với Sa bơi xuồng cập bờ sông vớt rác…”. Kim Thắm viết về những người trẻ tuổi, sống nêu gương, với những việc làm như vậy. Nhưng những chi tiết ấy, làm bật nổi nhận thức và ý thức cũng như hành động nho nhỏ mà tích cực, để chị khẳng định lối sống có trách nhiệm đối với cộng đồng. Thông điệp nghệ thuật được Kim Thắm truyển tải đến thế hệ thanh niên và công đồng hôm nay là khá rõ.

Trong Đất khát, ta lại bắt gặp hình ảnh người ba của Thủy xông xáo cứu nguy nhà cửa xóm ấp vì đất lở, mà không cần người đến lời kêu gọi của đoàn thể, địa phương: “ Thủy đương ngồi đương mấy cái sọt tre và nói chuyện với ba thì được tin ngoài vàm đất lở. Ba chụp lấy cái đèn pin rồi cùng Thủy rời đi”, “ Ba về khi trời gần sáng, lúc ngoại đang dưới bếp, còn má và Thủy đang chuẩn bị đi làm. Ba có vẻ mệt mỏi nhiều, giọng ba khàn đặc”. Nhân vật ba Thủy là mẫu nhân vật đàn ông cao tuổi, khỏe mạnh, sống biết cống hiến, làm bất cứ việc gì, và làm hết sức mình. Ba của Thủy còn giữ lại được phẩm chất nông dân cần cù, làm việc nghĩa. Còn Thủy, lớn lên từ đồng ruộng rồi trở thành cán bộ nông nghiệp. Thủy có những lo âu và muốn truyền tải đến người dân kiến thức giữ sạch môi trường, cải thiện tình trạng ô nhiễm, môi trường bị hủy hoại: “ Sau đợt lao động tình nguyện vớt bịch ni - lon và chai nhựa ngoài bờ sông, ven chợ xã cùng với cơ quan, Thủy về than với ngoại hông biế làm sao cho bà con mình bớt xài đồ mủ và không ai liệng rác xuống sông…lúc rảnh Thủy lại hái lá sen và rọc lá chuối tươi đem ra ngoài chợ xã cho bà con gói đồ mà không xài bịch”. Chi tiết ấy, chắc chắn được tác giả kết tinh từ những gì đang diễn ra trong môi trường mình đang sống và giống lên hồi chuông cảnh báo; đề xuất những giải pháp cải thiện mà ai cũng làm được.

Rõ ràng, Kim Thắm bằng truyện ngắn Đất khát,  gián tiếp đặt ra vấn đề cấp bách môi trường và ý thức giữ gìn môi trường, một trong số vấn nổi cộm, nhức nhối, đầy thách thức trong đời sống chúng ta hiện nay. Tuy rằng, những vấn đề đó không mới, nhưng hiện trạng môi trường bị ô nhiễm vẫn còn nóng hôi hổi, gia tăng về tính chất, mức độ, cả cộng đồng đang đứng trước thách thức lớn. Đọc Đất khát, ta nhận ra thông điệp nghệ thuật tỏa ra từ phía nhân vật ba Thủy và Thủy, đó là: mỗi người chúng ta không nên im lặng trước hiện trạng sạt lở và ô nhiễm môi trường; im lặng trước hiện trạng ấy đồng nghĩa với cái chết. Cái đó đang diễn ra, môi trường là vũ khí đánh lại chúng ta, bao người đã lợi dụng môi trường để trục lợi cá nhân, đã thanh bại danh liệt như các trang thông tin báo chí đã đưa

Kim Thắm không ngần ngại đánh vào tư tưởng đùn đẩy trách nhiệm; đánh vào bề nổi của phong trào kém hiệu quả; đánh vào ý thức con người và sự vô cảm của con người trước môi trường đang xuống cấp; đánh vào những người có trách nhiệm mà lại vô trách trách nhiệm; đánh vào sự suy thoái biến chất, tha hóa đạo đức của cán bộ, đảng viên và đối tượng thanh niên lười biếng, ham chơi. Truyện Đất khát, khơi dậy tín hiệu tích cực từ hành động con người sống có trách nhiệm, với niềm tin: mỗi cá nhân hành động tích cực sẽ làm cho môi trường tốt hơn. Kim Thắm muốn cổ vũ cho những vẻ đẹp ấy trước một thực trạng đang xuống cấp.

Trong Đò chiều, nhân vật cô Chín Bóng và bà Năm là người yêu cải lương, , thuộc nhiều tuồng và có khả năng nhập vai, dựng lại vở cải lương “ Bên cầu dệt lụa” rất nổi tiếng ở thập niên 80 thế kỉ trước. Cô Chín Bóng và bà Năm là lớp người xưa đang sống trong thế giới hiện đại, nhưng họ còn giữ cái đẹp một thời vang bóng. Họ giữ hồn văn hóa dân gian bằng niềm đam mê nghệ thuật cải lương và lòng yêu đời rất hiếm thấy:  “ Nghe tiếng đờn, lập tức bà Năm từ trong nhà vội vã bước ra. Tuy đầu tóc bà bù xù, áo quần nhàu nhĩ nhưng mặt mày thì đã có phần tươi tỉnh. Ban đầu bà Năm chỉ chăm chú nghe đờn, sau đó bà giành gõ nhịp song loan, rồi cuối cùng là tham gia hát. Bà hát say sưa, có khi cười khóc theo nhân vật, nước mắt lại đầm đìa”. Với kiểu nhân vật ấy, Kim Thắm kết nối mạch ngầm vẻ đẹp của quá khứ với hiện tại. Nhưng nó cũng là cách để chị thể hiện tình yêu của mình với cái đẹp văn hóa xưa; chị muốn những thứ ấy vẫn còn hơi thở kéo dài sức sống trong đời sống. Nhân vật của Kim Thắm đã thắp sáng bức tranh đời sống xô bồ mà nhạt màu hiện nay. Không phải Kim Thắm sợ rằng cái đẹp ấy mất đi, mà chị muốn thế hệ chúng ta hôm nay ra sức gìn giữ bản sắc và tiếp nối, phát huy bản sắc của dân tộc. Cái đó rất cần thiết, cho dù xã hội có phát triển văn minh hiện đại đến đâu. Cái bản sắc dân tộc một khi mất đi, sẽ là nguy cơ mất cội nguồn và đất nước.

Nhưng với Mùa bông gáo vàng, Kim Thắm lại chuyển hẳn điểm nhìn về người nêu gương sang một địa hạt khác, chất văn chương của Kim Thắm bắt đầu có vị cay, vị đắng. Chị đặt nhân vật người nêu gương của mình vào ranh giới sống và chết; chị đạt họ trong sinh quyển tâm linh, day dứt nỗi đau; tác giả bắt đầu phanh phui những nghịch lí cuộc đời, phản biện bằng bi kịch đời người mong manh nơi ranh giới vô thường. Ngòi bút của Kim Thắm lúc này viết có phần táo bạo hơn trước. Chị mạnh dạn đột phá chủ đề mới, chạm vào nỗi đau vô thường, công phá vào nỗi nghiệt ngả, bất công đối với người tốt. Kim Thắm nói tiếng nói phản biện với đời sống và có phần hoài nghi chân lí dân gian bất biến trong cổ tích: “ Ở hiền thì được gặp lành”. Truyện ngắn Mùa bông gáo vàng cho thấy chuyển động trong ngòi bút và tư tưởng sáng tác của Kim Thắm. Nhưng nghịch lí xảy ra như thế nào, tác giả truyện vẫn đứng về phía chân lí, bênh vực cho nhân vật người tốt của mình. Chị thể quan điểm người tốt được sống trong thế giới tâm linh, được người đời ngưỡng mộ, tri ân. Đó là Nhân vật Huy - một người thanh niên sống có lí tưởng, có hoài bão. Huy có cuộc sống đủ đầy, nhưng lại muốn theo nghề cảnh sát để bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân. Huy chống lại cái ác và sẵn sàng hy sinh; Huy để lại cho người thân và bạn bè niềm tiếc thương khôn nguôi. Kim Thắm viết như đang nhập vai một người trong cuộc, chị thảng thốt: “ Huy mất chiều nay trên đường truy đuổi mấy tên tội phạm qua biên giới”. Đến đây, ngòi bút của Kim Thắm phủ lên cái chết của Huy một sắc màu tâm linh, huyền ảo, khiến người đọc sợ hãi:“ Người ta còn nói từ ngày anh Huy chết, chim cú ở đâu kéo về đậu đặc ngọn cây sao già ở trong vườn. Đêm đêm chúng cất tiếng kêu từng hồi nghe rung rợn. Còn trong những cái hòm thì cứ nửa đêm là phát ra một thứ tiếng động dị kì, ai tình cờ có dịp đi ngang cũng đều nghe thấy”. Các chi tiết đậm đặc yếu tố tâm linh dân gian, nhưng không phải hoang đường. Đây là lần đầu tiên tôi thấy tác giả mang vào Mùa bông gáo vàng yếu tố ấy. Những truyện chị viết trước kia thì không. Nhờ đó, tác phẩm có thêm phần gia vị mới. Sự gia tăng không khí linh thiêng và oan hồn của Huy như một cách hư cấu nghệ thuật để thể hiện cảm xúc và tiếng nói đấu tranh bênh vực cho cái thiện của tác giả: người thiện chết đi là để được sống trong tâm hồn người đang sống. Đó cũng là cách để nhân vật “tôi” dệt bao kỉ niệm đẹp với người đã khuất, để nói với người đã khuất những tâm sự sâu kín chưa kịp nói trực tiếp với Huy trong đời: “ Vậy là Huy chưa kịp choàng khăn tôi dệt, cũng không đợi ngay anh Tâm xây xong bờ kè chống sạt lở cho xã mình… sẽ không còn những buổi cả ba đứa ngồi trên xuồng nghêu ngao hát dọc bờ sông vớt rác, lụm ve chai, sẵn tiện cùng nhau hái bông điên điển…”. Ngòi bút của Kim Thắm làm thổn thức trái tim người đọc trước một vẻ đẹp nhân cách và tấm lòng thiện ái của lớp người trẻ hôm nay. Họ nhìn vào nhân vật Huy trong truyện để định hướng cho mình một cách sống đẹp. Ngoài ra, Mùa bông gáo vàng, ta còn được chứng kiến Thảo, một phụ nữ trẻ tuổi trên đường xây dựng sự nghiệp, giới tiệu sản phẩm khởi nghiệp; ông Nội của Thảo là một cựu chiến binh, một người hay vớt xác trôi sông. Những nhân vật nêu gương ấy phản chiếu vẻ đẹp mới mẻ, đáng ngưỡng mộ về lối sống, nhân cách và ý chí.

3. Cả 3 truyện ngắn, Kim Thắm viết cách nhau khoảng 5 năm, đều nằm trong bối cảnh của cuộc vận động. Nó vừa cho thấy chuyển biến dòng chảy tư tưởng và cảm quan nghệ thuật của Kim Thắm, từng bước ngòi bút viết truyện ngắn của chị cũng cứng cáp, già dặn hơn. Việc chọn nhân vật nêu gương làm chỉnh thể, Kim Thắm muốn khai thác thật sâu vào con người, đánh thức lòng tốt ở con người. Mỗi nhân vật là mỗi đóm sáng về cách sống, cách chết, cách đối nhân xử thế; họ để lại nhận thức, ước mơ, hành động đẹp; họ tin vào bản thân và có đời sống tâm hồn phong phú, sâu sắc; họ sống chuẩn mực, có văn hóa và trí thức; họ tôn trọng quá khứ, có trách nhiệm với cộng đồng và với chính mình; họ có quan niệm tích cực về thế giới tâm linh; họ sống chủ động, làm chủ đời sống; họ có tình yêu quê hương và tình yêu lứa đôi trong sáng, cao đẹp; họ ứng xử với mọi người xung quanh thân thiện, chân thành; họ hành động vị tha, bao dung và cao thượng; họ xem nỗi đau đời là động lực vươn lên để thay đổi số phận; họ không mánh lới, thủ đoạn, thù hận; họ sống thuần khiết, thật thà, chất phác; họ biết phản biện đời sống, vạch trần sự giả dối, thấp hèn…

Xem ra, nhân vật nêu gương trong truyện ngắn của Kim Thắm là quan điểm xây dựng con người của tác giả. Chẳng phải chúng ta ai cũng muốn hướng tới những giá trị con người như vậy sao?  Kim Thắm vẫn còn muốn khắc chạm vào thế giới nhân vật của mình bao cái đẹp khác nữa, vẫn muốn đời sống này mãi xanh tươi, chân lí sẽ chiến thắng. Niềm tin đó đã tạo nên trang viết đầy ắp chất tình, chất sống, ngồn ngộn sự đời, nhưng trên hết, trang viết của Kim Thắm luôn thấm đẫm bên trong một tình yêu người, yêu đời, yêu cuộc sống rất mực của tác giả.  Dù rằng hiện nay, Kim Thắm có ý định đổi mới cách viết, viết sao cho táo bạo hơn trước, viết về phía “người bên kia” như Kim Thắm tâm sự. Điều đó để khẳng định sự vận động của một ngòi bút, không muốn mình theo lối mòn. Nhưng những gì đã nêu trên vẫn là cốt lõi của tư tưởng trong tác phẩm của chị. Kim Thắm không bao giờ chạy theo một vài cây bút tên tuổi có vấn đề về tư tưởng, viết theo kiểu“ nổi loạn”.

Thiết nghĩ, truyện ngắn dù có hay đến đâu, nếu bỏ đi những giá trị tốt đẹp để nêu gương, thì tác phẩm không có gì để quảng bá, vận động mọi người “ Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.  Đó là lí do Kim Thắm vẫn theo đuỗi mục tiêu viết truyện ngắn và chọn nhân vật nêu gương làm nhân vật trung tâm trong truyện ngắn. Bởi chỉ có như vậy mới tạo nên ý nghĩa trong văn chương và giá trị đích thực của một ngòi bút nhiệt tình và mong muốn được cống hiến.

Tháng 8/2024

Share
Các tin liên quan:
Các tin khác: