Thứ ba, 10 Tháng 12 2024

Mạng giáo dục VNedu

Cổng dịch vụ công tỉnh Đồng Tháp

Kỳ thi HSG năm 2015-2016

Website các trường ĐH, CĐ

Website liên kết

THỐNG KÊ

mod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_counter
mod_vvisit_counterHôm nay134

Hiện tại: 12 khách, 3 bots 
NHỊP CẦU MÙA XUÂN PDF. In Email
Thứ bảy, 20 Tháng 2 2021 13:29

 

NHỊP CẦU MÙA XUÂN

                                                    Ngọc Điệp

Cây cầu bắc ngang con kênh nhỏ nằm thoi loi ở giữa nội đồng, nối liền một bên là đám rẫy bắp xanh mượt của nhà hàng xóm, và một bên là mảnh vườn nhỏ xum xuê của ba tôi.

Nó chỉ là một cây cầu khỉ cheo leo với cái tay vịn chông chênh làm bằng những thân cây bạch đàn con ghép lại. Mỗi bận thăm vườn đi qua cây cầu này, tuy bước chân vẫn vững chãi nhưng tôi vẫn có cái cảm giác hơi e dè khi cúi nhìn xuống dòng nước trong xanh leo lẻo bên dưới. Có lẽ cái mặc cảm “qua cầu khỉ” làm cho mình không an tâm, chứ thực ra đối với dân gốc ruộng như chúng tôi, cũng khó để mà “bị” rớt xuống mương khi đi cầu khỉ lắm !

Vậy nhưng, cây cầu khỉ ấy có tuổi thọ cũng khá là cao đấy chứ! Và nó đã thu hút hầu hết tụi trẻ con trong xóm tôi. Vào mùa hè, chiều nào lũ trẻ cũng tụ tập rủ nhau tung tăng chạy tuốt ra phía cuối cánh đồng, cốt chỉ để bước qua bước lại cây cầu khỉ chơi. Lúc đầu, có lẽ chỉ để thử cho biết cái cảm giác “đi cầu khỉ” nó như thế nào, nên có đứa chỉ bò qua chứ không dám đi, run rẩy từng bước trong sự cổ vũ của cả bọn. Dần dần quen chân, các cô cậu thậm chí còn “chạy” nhanh qua nữa! Lâu dần, tụi nhỏ ra đây có khi chỉ ngồi túm tụm chơi ngay giữa cầu, ngửa cổ nhìn trời nước bao la mà chuyện trò rôm rả. Có khi, gặp buổi con nước lớn đầy, mấy đứa con trai còn cởi trần phóng xuống mương nước trong xanh mà tắm táp mát mẻ.

Nhưng, trải qua nhiều mùa mưa nắng, những thân cây bạch đàn cũ kỹ đã bắt đầu mục ruỗng, yếu dần. Cái tay vịn rớt xuống, ba tôi đã mấy lần buộc đóng lại. Mấy cái đoạn thân cầu bị gãy cũng được thay bằng cây mới. Bọn trẻ bắt đầu ngần ngại, thưa dần dắt díu nhau ra cầu khỉ chơi. Mỗi khi đi vườn đốn buồng chuối, hay thu hoạch xoài, hái bầu bí… chúng tôi cũng phải thận trọng hơn khi đi qua cây cầu khỉ này.

Và, ba tôi quyết định thay nó bằng một cây cầu mới vào dịp cận Tết năm nay. Chỉ trong vòng vài ngày, nó đã lột xác thành một cây cầu mới vững chãi và đẹp đẽ làm sao! Không còn tay vịn, mà thay vào đó là khối bê tông chắc chắn, rộng rãi và phẳng phiu với hai cái móng vững chắc ở hai bên bờ mương. Hơn cả mong đợi của bọn trẻ, giờ đây chúng có thể tụ tập cùng nhau nằm dài hay ngồi xổm trò chuyện thoải mái ngay giữa cầu, chứ nói gì đến việc nơm nớp sợ cầu gãy như lúc trước. Ở sâu tuốt trong nội đồng, giữa bốn bề ruộng rẫy thênh thang, cây cầu bê tông này tuy nhỏ nhưng nó thật là an toàn và có phần “sang chảnh” làm sao!

Bây giờ, mỗi bận đi thăm vườn, cả nhà tôi đều cảm thấy thoải mái và dễ chịu lắm. Cây trái thu hoạch cũng được vận chuyển dễ dàng. Mỗi bận bước đi trên cây cầu mới, ai cũng thật thong dong, có thể vừa đi vừa thảnh thơi nhìn ngắm những bóng mây in hình dưới đáy nước trong vắt. Thế nhưng, bất chợt tôi lại nghe bọn trẻ ngồi chơi ở đầu cầu đang tỏ ra tiếc rẻ: “Nhớ cây cầu khỉ hồi năm ngoái, hén tụi bây!”. Rồi đứa khác lại nói: “Giờ qua cầu, đâu còn đứa nào run sợ nữa đâu mà chọc quê, hén!”. Cả bọn đều ngẩn ngơ ra vẻ tiếc nuối. Chợt một đứa con gái nhỏ lên tiếng phá tan bầu không khí im ắng: “Nhưng cây cầu mới này chắc chắn hơn nè, em chạy đi thả diều không sợ bị hụt chân té!”. Thế là, bọn nhỏ chuyển ngay sang bàn tán về mùa thả diều năm nay. Có lẽ cây cầu mới cũng rất vui vì nó được bọn nhỏ tin tưởng để đảm nhận thêm một nhiệm vụ mới nữa.

Vừa được hình thành trong mùa xuân này, cây cầu mới giống như một nhịp cầu mùa xuân sẽ nối thêm những bờ vui cho mọi người. Nhưng chắc chắn trong lòng ai cũng sẽ không quên cây cầu khỉ xưa cũ của của năm nào, bởi nó chính là nền tảng ban đầu cho cây cầu mới được khai sinh hôm nay. Vẫn sẽ còn nhớ nhiều lắm đấy, cầu khỉ ơi!


Share
Các tin khác: