THỐNG KÊ
Hôm nay | 2849 |
MÙI TẾT QUÊ |
Thứ hai, 11 Tháng 1 2021 20:13 |
Mùi Tết quê !
Trong kí ức tuổi thơ của tôi. Tết luôn về rất sớm! Có lẽ là ngay sau rằm tháng Chạp, khi các chợ bắt đầu trang trí và trưng bày những mặt hàng để đón Tết. Không khí ngày càng tấp nập, rộn ràng hơn trong ngày hai mươi ba Tết khi mọi người cùng nhau đưa ông Táo về trời. Trên tivi, radio bắt đầu công chiếu những chương trình hài kịch Tết, bản nhạc Xuân,…báo hiệu một mùa xuân mới sắp về trên quê hương tôi. Tết về! Nhà nhà đều vui, người người đều mặc áo mới thật xinh, thật đẹp. Những ngày cuối năm, quả là tất bật. Có biết bao thứ để lo, bao nhiêu việc để làm. Mọi người, ai ai cũng đều lo chuẩn bị mọi thứ thật tươm tất để đón Tết. Các ngôi nhà, ô cửa sổ như được “ tháo bỏ ” lớp áo cũ mèm đầy bụi bặm mà thay vào đó là những sự mới mẻ, sáng tinh. Mọi người thì chung tay chuẩn bị quà tết cho những người thân và bạn bè của mình. Hòa cùng không khí vui tươi và rộn ràng ấy. Những cành hoa mai cũng tung cánh múa hát dưới cái nắng xuân dịu dàng ngày giáp Tết. Bên những con đường, tiếng bước chân như nhịp điệu của bản giao mùa cứ thế mà từ từ trôi, thật chậm rãi. Hàng cây xanh ven đường như được khoác lên mình lớp áo mới. Đón chào người đi đường với một màu xanh mát mẻ khiến ai nấy cũng đều cảm thấy như Tết đang đến cận kề bên mình. Ngoài những màu sắc bên ngoài đó thì ngày Tết quê tôi còn có những “ mùi Tết ” đặc trưng mà không phải ở đâu cũng có à nghen! Mỗi khi mà Tết về. Nhà tôi như thêm người thêm việc. Vừa vất vả lại vừa vui. Bình thường thì nhà tôi chỉ toàn nấu nướng bằng bếp gas thôi. Mà mỗi khi Tết về, thì sẽ dành hết sự “ ưu tiên ” cho bếp củi. Ngoại tôi cái bếp lò nấu bằng củi trông đã mắt lắm. Nhất là mỗi lần nấu cơm, canh. Ngoại hay “ chắt ” nước cơm ra và dùng sau bữa ăn. Còn mẹ tôi thì rất thích ăn cơm cháy. Mỗi lần nấu cơm bằng củi, mẹ đều “ đặt sẵn ” một phần cơm cháy khét nghẹt nhưng thơm nở mũi dành cho mình. Đặc biệt hơn là món thịt kho hột vịt. Thường ngày, ngoại toàn kho bẳng bếp gas. Mà nay Tết về nên là “ thay đổi tí xíu cách thức ”. Ngoại bảo tôi: “ Bây biết hông? Kho thịt bằng củi nó thơm với ngon hơn kho bằng gas. Bây chịu cực một chút mà ăn ngon, mỡ rịu, thịt mềm mà mùi vị cũng mang đậm tính dân dã của người miền Tây mình nữa! ”. Và! Vẫn còn nguyên vẹn đó hình ảnh những chiếc bánh tét nhân mỡ vào những ngày cuối năm. Mỗi lần gói bánh tét, là nhà tôi vui lắm. Như thể một tiểu đội tập hợp. Và ngoại là Đội trưởng. Đứng ra chỉ huy và phân công nhiệm vụ cho chúng tôi. Chị tôi thì đi rọc tàu lá chuối. Mẹ thì hơ lửa tàu lá. Tôi thì lau lá. Và ngoại là người đảm nhiệm phần quan trọng nhất đó là làm nhân bánh. Có lần đó, tôi hỏi ngoại: “ Ngoại ơi, sao nhà mình lại không gói bánh tét nhân chuối vậy! Con thấy nhân chuối ngon mà ngoại, nhân mỡ ăn ngán lắm! ”. Thế là, tôi bị ngoại cốc cho một cái vào trán: “Ngốc ơi, ai đời ngày đầu năm lại đi ăn chuối cho nguyên năm chúi nhụi, bây ăn nhân mỡ này. Mỡ trong trẻo lại thơm ngon, béo ngậy. Như thế cho nguyên năm được trong trẻo như nước, làm ăn hên, biết chưa? ”. Tôi cười thút thít: “ Dạ, con đã hiểu, thưa ngoại! ”. Và, thêm một phần không thể thiếu đó là hấp bánh. Tôi ngồi hấp mà vừa vui lại vừa lo. Vui vì sắp được dùng một khoanh bánh tét nóng hổi, thơm ngon. Lo vì tôi sợ không biết bánh đã chín vừa tới chưa, tôi sợ rằng bánh khô nước sẽ bị khét. Khi đó, kiểu gì cũng bị ngoại cốc vào đầu ! Đó là “ những câu chuyện nhỏ dưới bếp ”. Và tất nhiên. Vào ngày Tết sẽ không khỏi thiếu đi phần bánh, mứt để tiếp khách và đón giao thừa. Hòa cùng với mùi khói thơm của các món ăn trong bếp là mùi của các hạt hướng dương, hạt dưa hấu, hạt bí, mứt dừa và mứt tầm giuộc cũng tỏa ra mùi hương chua chua, thơm thơm làm lay động sống mũi của chúng tôi và khiến bản thân vô cùng thích thú, muốn được thưởng thức chúng. Như ngày xưa, ăn bánh là phải uống trà. Và theo phong tục, trên chiếc bàn tiếp khách của nhà tôi. Lúc nào cũng đều có sẵn một ấm trà nóng như sự hiện diện của một thành viên không thể thiếu. Có nhiều loại trà như: trà bắc, trà sen, trà gừng, trà táo đỏ Cung Đình Huế,… chỉ cần châm vào một cốc nước ấm rồi ngồi xuống, ăn một miếng mứt rồi uống một tách trà nóng thì ôi thôi! Thật sự không gì sung sướng bằng, lúc này đây, mới thật sự cảm nhận được bốn chữ “ tận hưởng cuộc sống ” là như thế nào! Rồi! Thường thì vào ngày Tết, người ta hay dùng các món như: canh khổ qua, thịt kho, cá kho. Và, hòa trộn cùng với những món ăn truyền thống đó là “ mùi chua ” của dưa cải và dưa kiệu. Phải chăng ? Đây là “ mùi của Tết ”. Có vị chua như những nỗi buồn và ấm ức, vị ngọt như sự an ủi, những cái ôm ấm áp. Vị cay của những lần cay sống mũi, khóe mắt khi cảm thấy chạnh lòng, xót xa ! Tất cả, đều gói gọn trong hai chữ “ năm rồi ”! Tết về! Vui nhất là đám trẻ con, tụi nó có dịp được bố mẹ sắm cho bộ quần áo, váy đầm xinh. Và chạy tung tăng, nô đùa khắp xóm. Ca hát, nhảy múa và nối đuôi nhau chơi các trò chơi như: rồng rắn lên mây, chi chi chành chành, bịt mắt bắt dê, mèo đuổi chuột,.. Và, chung vui cùng với đám trẻ con là những chiếc chăn, màn, mùng, mềm,…Khi chúng được giặt giũ sạch sẽ và tung mùi hương dịu nhẹ dưới ánh nắng chói chang của mặt trời! Vậy là, Tết đã về rồi đó. Nghe thoang thoảng đâu đây “ một mùi Tết ” vô cùng ngọt ngào và ấm áp. Và! Dù cho quê hương có thay da đổi thịt thế nào đi chăng nữa thì ngày Tết quê tôi vẫn luôn là như thế. Luôn vui tươi, sôi nổi và sẵn sàng chào đón những đứa con xa nhà trở về. Về đi, về để “ ngửi ” xem mùi Tết quê ta nó đặt trưng và ấm áp nghĩa tình như thế nào ! Huỳnh Nguyễn Diễm Kiều - cựu HS Trường THPT Cao Lãnh 1
Các tin khác:
|