Thứ năm, 27 Tháng 3 2025

Mạng giáo dục VNedu

Cổng dịch vụ công tỉnh Đồng Tháp

Kỳ thi HSG năm 2015-2016

Website các trường ĐH, CĐ

Website liên kết

THỐNG KÊ

mod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_counter
mod_vvisit_counterHôm nay283

Hiện tại: 69 khách 
Con trai cưng PDF. In Email
Chủ nhật, 24 Tháng 2 2019 16:03

CON TRAI CƯNG

 Thằng Quân, con trai cưng của mẹ nó. Ba Quân bị tai nạn nghề nghiệp mà qua đời khi nó học lớp 5. Con trai một – là đứa con duy nhất trong gia đình cũng vì thế mà mẹ nó cưng hết mực mặc dù hoàn cảnh không mấy dư giả.

-Kìa, thằng con trai cưng của bà Ba hàng rong, nó đang trong tiệm net Tư Hùng kìa. Giờ này giờ học trong trường mà nó ngồi đó, tui nói với mẹ nó mấy lần rồi, mà bã đâu tin. - Tiếng nói của hai người đàn bà hàng xóm đi chợ bàn tán.

Trên vỉa hè góc chợ, gánh hàng rong của mẹ nó với mấy món ăn quê quen thuộc “ Bánh lọt, tàu hủ,  nước sâm...đi cô, bác ơi. Ngon lắm!”. Tiếng rao bán của bà Ba, cái danh xưng quen thuộc mà mọi người đặt cho bà mấy năm nay. Cái danh xưng mà thằng Quân nó không dám nghe, nó không dám để một ai trong ngôi trường trung học phổ thông chuyên danh giá biết được sự thật ấy. Rằng nó là con của một người đàn bà bán gánh hàng rong.

Trên vách của cái tường nhà cũ kĩ, được tô điểm bằng những tờ giấy khen sáng ngời trong học tập của Quân từ lớp 1 đến lớp 10 và năm nay là lớp 11. Mẹ nó luôn quét tước lau chùi khi thấy những hạt bụi bám vào. Bà luôn dọn dẹp, sắp xếp chừa vị trí cho những tờ giấy khen tiếp theo hàng năm của Quân.

Nó luôn vâng, dạ mỗi khi mẹ bảo. Nó thường làm việc nhà giúp mẹ: rửa bát, nấu cơm, giặt đồ... Đó là đặc điểm quen thuộc của Quân mười mấy năm nay, là những điều mà mẹ nó luôn tự hào về con trai cưng của mình. Mẹ bảo nó : con lo học đi, chỉ học thôi, học cho mẹ, việc nhà để đó mẹ làm. Mặc dù vậy, nhưng Quân vẫn biết cái gì cần làm và cái gì không nên làm. Điều đó làm mẹ nó rất vui và tự hào về nó .

Nó không đi bán gánh hàng cùng với mẹ kể từ khi bước vào lớp mười. Trước kia, hai mẹ con quấn quýt nhau bán buôn vui vẻ, kể cả những ngày mẹ nó cõng gánh hàng rong trên vai cùng nó chạy đi dưới trời mưa, mình mẩy hai mẹ con ướt đẫm. Những ngày bán ế hai mẹ con cùng đi khắp đầu trên xóm dưới để bán. “Bán không được hết thì đem về ăn khỏi tốn gạo mẹ hé!. Câu nói ấy làm mẹ nó như ấm lòng trước cái lạnh cái khó của cuộc sống. Nó cứ thích ăn bánh mẹ làm, ăn bánh ngon như ăn cơm, miệng cứ tấm tắc khen ngon. Mẹ nó ngồi nhìn con ăn mà hai khóe mắt cứ đỏ rưng rưng. Cứ vậy mà nó học đến lớp 11 chuyên toán  của trường chuyên trong Tỉnh.

Mấy người trong xóm đều khen mẹ nó giỏi, bà cố gắng lèo lái cho cho nó học trường chuyên. Bà bấm bụng từng đồng tiền ít ỏi của gánh hàng rong mỗi ngày. Nó càng học cao thì mẹ nó càng thức khuya dậy sớm nhiều hơn. Công việc của mẹ nó giờ đây không đơn giản là bán gánh hàng rong nữa mà còn thêm đi làm cỏ mướn buổi trưa, buổi chiều thì lo cơm nước chờ Quân đi học về, đến tối thì bà lại nhận thêm công việc làm lao công ở công viên. “ Học hết lớp 9 thì cho nó nghĩ đi làm đi, leo trèo lên lớp 10 làm chi mà đã vậy còn trường chuyên sang trọng lo cho cực cái thân vậy chị Ba!” Lời nói của cô hàng xóm làm mẹ thằng Quân nhoẻn cười. Nụ cười trên khuôn mặt ấy của mẹ nó nhìn như nặng trĩu gánh u sầu. Mẹ nó đáp “ Tui ráng chị ơi, tui không muốn tương lai của nó giống tui với cha của nó”.

Thằng Quân chẳng biết gì, sáng cứ sách chiếc xe đạp tuy cũ nhưng nhìn vẫn còn mới chạy đi học đến chiều có khi là tối mới về. Cứ vậy mà khoảng cách mẹ con cứ xa dần... xa dần, không còn hay nói chuyện cười đùa tâm sự với mẹ như trước. Khi người thì bận học người thì cặm cụi đi làm trong đêm tất cả là để có tiền để tạo dựng  nên hy vọng và bước đến tương lai cho nó.

Năm nó lớp 11, mẹ nó không còn thấy giấy mời họp phụ huynh của trường nữa, bà mong chờ từng ngày để biết trường lóp, thầy cô của nó. Mẹ nó cố gắng hỏi mấy lần mà nó cứ lẩn tránh.

Bữa cơm chiều đều đặn như mọi hôm, mẹ nó chuẩn bị như mọi ngày, hôm nay bà nghỉ việc một ngày vì bà linh cảm thấy mọi thứ giữa bà và con trai dường như có vết rạn nứt và tình cảm mẹ con ngày càng nhạt đi. Bà ngồi chờ từ 5 giờ chiều cứ chờ cứ chờ đến 10 giờ tối. Tô canh chẳng còn bốc khói nghi ngút nóng hổi và thức ăn được đậy dưới cái lồng bàn giờ mọi thứ đã nguội lạnh dưới ánh sáng trắng mờ mờ của chiếc bóng đèn cũ. Tiếng xe đạp lạch cạch từ ngoài đường chạy vào lúc 11 giờ đêm. Nó chẳng thèm chào lấy mẹ nó một câu, xô chiếc xe ngã ngang rồi đi thẳng vào mùng ngủ. Mẹ nó hỏi: Con về rồi à, sao trễ vậy, học thêm hả con, sao không nói với mẹ? Mẹ đi hâm đồ ăn rồi mẹ con mình ăn cơm nha. - Mẹ nó nghe mùi bia thoang thoảng và chẳng nói gì. Rồi bà cũng tắt đèn rồi đi ngủ với cái bụng đói.

Đến sáng bà ngồi sẵn ở bàn chờ nó đi ra rồi nói chuyện. Nó chào:Con đi học!. Câu nói cộc lốc mà mẹ nó nghe lần đầu tiên. Bà hỏi “ Có gì vậy, con sao vậy?. Nó đi học không bằng xe đạp nữa, nó đi bộ. “Sao con không lấy xe đi?” . Nó im ru mà cứ bước ra cửa, mẹ nó đi theo sau lưng đến đầu đường thì gặp bạn nó chạy xe Honda dừng lại rước nó đi học. Lúc này đây bà có cảm giác thật lạ lùng...

Mẹ nó thấy số tiền dành dụm đóng học phí cho nó ngày một vơi dần vơi dần. Bà bắt đầu thấy nghi ngờ nhưng vẫn im lặng. Những suy nghĩ tiêu cực về sự thay đổi của đứa con trai đang dần chiếm lĩnh trong suy nghĩ của người mẹ. Bà mong sao mọi thứ chỉ là nghi ngờ, đừng bao giờ trở thành sự thật.

Tối đến nó lại về trễ như hôm qua. “ Thằng Quân đi mua điện thoại chưa về hả chị Ba?”. Câu hỏi của cô hàng xóm kế bên nhà làm mẹ nó khựng lại. “ Đâu! Thằng Quân đi học thêm chị ơi. Mua điện thoại gì?...

-Khi nãy tui đi ngang chợ gặp nó với mấy đứa ăn mặc đâu như là con nhà giàu khá giả đi vào tiệm mua điện thoại kìa.

-Chị nói sao chứ thằng Quân nhà tui giờ này nó còn học thêm mà. Nó mới nhắn tin cho tui đây. Vả lại tiền đâu ra mà mua điện thoại sang trọng đua đòi theo bạn bè. Chị nhìn lầm ai rồi, mấy đứa học sinh trong trường nó đứa nào tướng cũng cao ráo hao hao nhau vậy mà.

-Ừa. Chắc tui nhìn lộn. Cô hàng xóm trả lời mà hình như cô chưa hài lòng với câu trả lời của mình. Vẻ mặt cô đăm chiêu như  vẻ khẳng định chắc nịch.

Những câu nói ấy càng làm nhân lên những suy nghĩ nghi ngờ của người mẹ. Vẻ mặt u sầu  hiện rõ trên mặt bà lúc này.

Nó về đến, vẫn đi bộ như lúc sáng. Nó miễn cưỡng chào mẹ. Rồi xong đi tắm rồi đi ngủ. Hôm nay bà vẫn im lặng.

Như tối mọi hôm bà đi ra công viên làm công việc lao công của mình. Rồi sáng về sớm còn chuẩn bị đồ đi bán lúc thằng Quân còn say giấc. Hôm nay, bà bán không được đắt, hàng vẫn còn. Bà cõng gánh hàng rong đi khắp nẻo đường như thường lệ. Đến gần một cửa hàng thời trang bà thấy bóng dáng quen thuộc của thằng Quân cùng mấy thằng con trai khác đi xe Honda ghé vào vào cửa hàng. Bà không tin vào mắt mình, đó là một cửa hàng cao cấp đắt giá mà bà với thằng Quân chưa bao giờ nghĩ rằng sẽ vào đó mua bất cứ thứ gì cho mình. Nó là một suy nghĩ xa vời của bà nhưng những gì bà thấy ngay lúc này ngay bây giờ là sự thật. Những hạt mưa bắt đầu rơi mỗi lúc một nặng hạt. Bà vừa kịp ghé vào cái dù của ông cụ vá xe bên vỉa hè để đứng trú mưa. Bà cứ nhìn theo bóng dáng của thằng Quân trong cửa hàng. Gương mặt bà lúc này đầy nước, nước mắt xen lẫn nước mưa. Cơn mưa như đồng cảm với mỗi lòng của bà. Nhưng cơn mưa làm cho lòng mẹ và trái tim người mẹ của bà thêm lạnh xót nhiều hơn. Với bà những cơn mưa ấy đã quá quen thuộc với những ngày bán ế. Chẳng còn lạnh lẽo về thể xác nữa. Nhưng lồng ngực bà lạnh và đau lắm. Những suy nghĩ nghi ngờ trong đầu người mẹ giờ đây đã trở thành sự thật. Thằng Quân nó thay đổi rồi...

Bà đội mưa đi về, chẳng còn muốn bán buôn gì nữa.

Tối hôm nay nó về sớm, trên tay nó là bao nhiêu túi  hàng đẹp đẽ, quần áo, giày dép, đồng hồ đeo tay... . Bà chẳng nói gì. “Ra ăn cơm con!. Mẹ nó bảo.

-Con ăn rồi. Nó đáp.

-Tao kêu mày ra đây. Nhanh! - Cái giọng la lớn tiếng của mẹ, lần đầu tiên mà nó nghe. Nhưng nó chẳng có vẻ gì là sợ.

chậm chạp ngồi xuống bàn đối diện với mẹ nó. Bà hỏi “ Hôm nay sao không đi học?”. Nó đáp rành rọt:Hôm nay thầy cô trường con họp hội đồng nên được nghĩ buổi sáng”

-Vậy à. Mẹ nó hỏi tiếp: “ Con xài hết tiền của mẹ chưa, số tiền mà mẹ để dành đóng tiền học cho con đó?”. Vẻ mặt nó không mấy bất ngờ, hình như nó đã lường trước được.

Nó đáp cụt lủn: Cũng gần hết rồi!” .

Mẹ nó đứng lên giơ tay tát thẳng vào mặt nó.  Mắt nó ráo hoảnh, nó quay ngang cười nửa miệng.

“ Con mệt mỏi với cảnh này lắm rồi mẹ à. Đi học thì chạy chiếc xe đạp bèo, mặc đồ thì như một thằng nhà quê. Cái thời buổi này ai còn xài cái điện thoại bấm nút cùi bắp này nữa... Đám bạn con đứa nào cũng đầy đủ, muốn chơi với nó cũng phải cùng đẳng cấp mới chơi được, chứ học giỏi thôi cũng chẳng là gì đâu mẹ.” - Nó quát thẳng vào mặt mẹ nó sau cái tát trời giáng thứ hai của mẹ, nó như trút hết những nỗi suy nghĩ của mình. Những suy nghĩ ghê gớm đã lấn át đi con người thật của nó.

Mẹ nó ngồi đó cũng chẳng khóc. Hai mắt chỉ rưng rưng nước. Bà nói “ Con đừng nhìn lên hãy nhìn xuống đi. Ngoài kia kìa, ngoài xã hội nhiều người còn khó khăn gấp trăm ngàn lần mình kìa. Còn nhiều đứa muốn đi học mà không được kìa. Nhiều đứa trẻ muốn có cái áo cái quần đàng hoàng mặc còn không có kìa.... Mình được như vậy đã là may mắn lắm rồi Quân ơi. Nhìn lên là để phấn đấu chứ không phải đua đòi theo thiên hạ con ơiNói xong bà khóc nức nở.

“ Mẹ xin lỗi con. Mẹ đã cố gắng lo cho con đầy đủ với bạn bè nhưng chỉ được như vậy. Cao quá, mẹ với không tới. Xin lỗi con!. Bà nói dứt câu rồi đi thẳng vào mùng. Bà nằm xuống cố ngủ, ngủ để quên đi thực tại nhưng nhắm mắt lại thì nước mắt cứ chảy, lồng ngực cứ đau. Bà nhớ đến những câu nói của những người hàng xóm. Dù khi đó biết là sự thật nhưng bà vẫn cố không tin. Bà lo, lo cho cái tát của mình khi nãy có làm con đau không? Bà lo...

Không khí buổi tối hôm ấy thật lạnh, cái ngột ngạt như trùm cả không gian. Giữa hai mẹ con giờ đây thật sự là một khoảng cách vô hình. Vì sao vậy? Thằng Quân tắt đèn nhưng không đi ngủ. Nó ngồi im trong bóng đêm. Nó cứ ngồi mãi như  thế. Mắt chăm chăm nhìn lên khoảng không vô định trên cái trần nhà tối tăm cũ kỹ. Bao nhiêu thứ nhảy múa trong đầu nó. Giữa giàu và nghèo có ranh giới cách biệt đến thế sao? Tại sao nó phải cố gắng sắm vai để khẳng định mình? Tại sao nó sợ để người ta biết về gia cảnh nghèo khó? Đâu rồi niềm hy vọng trông mong cả đời của mẹ? Đâu rồi bao tâm huyết gửi gắm của thầy cô? Tương lai của nó vẫn còn ở phía trước kia mà. Con đường bước tới cánh đồng hoa hồng chắc chắn là phải có lắm bùn lầy và gai góc. Có khi nào nó đã bị lệch hướng vì những ý nghĩ đua chen nông nổi nhất thời? Cái tát của mẹ làm nó sực tỉnh. Bất giác, nó đưa tay lên sờ vào một bên má đau rát. Những ngón tay của mẹ xương xẩu và chai cứng, để lại những vết hằn trên má nó, mẹ đã phải dùng lực để làm nó đau, điều mà bao nhiêu năm nay nó chưa hề thấy. Chắc mẹ cũng đau lắm…. Nó quyết định không ngủ đêm nay. Để ngồi đó suy nghĩ về mọi thứ.  Để đi tìm lại... nó của trước kia!

 

Lê Văn Trường _12cb5

Trường THPT Cao lãnh 1.

Share
Các tin mới:
Các tin khác: