Thứ năm, 12 Tháng 9 2024
Trang chủ
Khơi dậy niềm đam mê học Sử cho học sinh Trung học Phổ Thông
Thứ ba, 05 Tháng 1 2016 14:27

Khơi dậy niềm đam mê học Sử cho học sinh Trung học Phổ Thông

Trong trường trung học phổ thông, môn Sử hiện nay là môn học “ngán ngại” đối với nhiều học sinh. So với các môn học khác, chất lượng dạy học môn Sử cũng còn khá “khiêm tốn”. Kỳ thi THPT quốc gia hàng năm cũng có rất ít học sinh chọn môn Sử làm môn thi xét tốt nghiệp. Dù vậy, những người thầy giáo dạy Sử vẫn đầy tâm huyết và tuy hiếm hoi nhưng hàng năm vẫn xuất hiện đây đó ở các trường THPT trong tỉnh những gương mặt học trò đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi môn Sử các cấp.

Bắt đầu từ người thầy

Có thầy hay ắt có trò giỏi. Với những môn xã hội điều này càng nghiệm đúng. Môn Sử lại càng không ngoại lệ. Trước hết, thầy giáo dạy Sử phải là “thần tượng” đúng nghĩa thì mới thu hút trò dành sự đam mê đối với môn học. Thực tế học Sử không khó nhưng đa số học sinh ngày nay “sợ” môn này vì dung lượng kiến thức của môn học quá nhiều mà bắt buộc học sinh phải ghi nhớ. Các con số, sự kiện, nhân vật, mốc thời gian… lại khô khan, khó nhớ. Giờ học Sử vì vậy đa phần đã trở nên nặng nề, giống như bị “bắt buộc” phải học đối với nhiều trò! Hơn nữa, các khối thi vào Đại học, Cao đẳng có môn Sử lại thuộc những ngành nghề không mấy hấp dẫn đối với xu hướnng chọn nghề của giới trẻ ngày nay. Vậy nên, để cứu vãn tình hình, trước mắt chỉ còn trông chờ vào vai trò chủ đạo của người thầy dạy Sử, từ đó mới “chinh phục” được trò yêu thích học môn Sử.

Thầy giáo dạy Sử giỏi ngoài việc có kiến thức lịch sử sâu rộng còn cần phải có kỹ năng nói tốt, khả năng truyền đạt hay, hùng biện giỏi, biết dẫn dắt câu chuyện hấp dẫn người nghe. Và trên hết, phải có lòng đam mê thực sự với nghề, với bộ môn mình đã chọn. Có vậy, quá trình sáng tạo mới không ngừng diễn ra trong khi người thầy soạn giáo án, lên lớp dạy, thực hành nâng cao chuyên môn hay tiếp cận với các vấn đề thuộc phạm trù lịch sử. Một người thầy tâm huyết, hết lòng, dành nhiều sự đầu tư cho từng bài dạy, tiết dạy, làm việc nghiêm túc, trân trọng đúng mực mỗi giờ dạy Sử, ngoài ra còn có một cái “duyên” đứng lớp, ắt sẽ “thu phục” được trò.

Với Sử, muốn giúp trò dễ học thì thầy cần có cái nhìn “thực tế” nhiều hơn là việc rao giảng nhồi nhét kiến thức hay những lý luận xa vời. Đó là, đáp ứng cái mà trò “cần” là đạt được mục đích học tập ngay trong từng tiết học, giờ học hay có được điểm số đạt yêu cầu cho mỗi bài kiểm tra. Nên hiểu và thông cảm với trò một nỗi là cùng một lúc các em phải học nhiều môn học với những yêu cầu khác nhau, cho nên đừng quá “quan trọng hóa” môn học của mình mà bắt buộc các em phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn của thầy đặt ra cho môn học, như vậy sẽ dễ làm trò chán nản. Ngược lại có khi thầy dạy Sử chỉ cần giảng dạy, lên lớp, hoạt động, nghiên cứu… một cách bình thường thôi mà sẽ có nhiều lớp học sinh yêu thích giờ học Sử, sẽ có nhiều trò chủ động đăng ký để được thi vào đội tuyển học sinh giỏi Sử. Bởi đó là một thầy giáo dạy giỏi, kiến thức uyên bác, có phẩm chất đạo đức tốt, có nhiều thành tích trong lao động dạy học, có uy tín với đồng nghiệp và tạo được “hình ảnh” đẹp trong lòng học sinh. Ông bà ta có câu “Hữu xạ tự nhiên hương”, phải nói là những cái “tố chất” vốn có của người thầy dạy Sử sẽ tự nó tỏa sáng để thu hút học sinh chủ động đến gần với môn Sử.

Thầy giáo dạy Sử có kinh nghiệm không đưa ra yêu cầu cao ngay từ đầu, mà theo phương châm “mưa dầm thấm sâu”, giúp trò nâng dần kiến thức từ cái cơ bản nhất, đi từ dễ đến khó. Muốn vậy cần quan tâm về phương pháp chuyển tải. Công nghệ thông tin hỗ trợ được nhiều, giúp thầy giảng dạy trực quan hơn, sinh động hơn khi tái hiện những mốc sự kiện đáng nhớ, những hình ảnh, dấu ấn lịch sử. Cao hơn một bước là tạo cho trò hình dung và nắm được tổng thể chương trình môn học của mỗi chương, học kỳ, cả năm, từng khối lớp… một cách hệ thống, đi theo một logich hợp lý như là những câu chuyện lịch sử có từng chương, từng hồi, phân đoạn cụ thể. Và mỗi bài học thông qua “lăng kính” của người thầy sẽ giúp trò tự hình thành những chi tiết hấp dẫn, trở thành nét chấm phá tô đậm thêm tính bi hùng hay ý nghĩa độc đáo của cả câu chuyện lịch sử dài từ lúc mở đầu cho đến hồi kết thúc.

Chất giọng khi giảng Sử cũng rất quan trọng. Do đặc thù môn học đòi hỏi phương pháp diễn giảng chiếm khá nhiều, cho nên thầy giáo dạy Sử cần có giọng nói thật hay, thật thu hút mới làm cho tiết học mang nhiều sắc thái phong phú, có vậy mới giúp cho trò hưng phấn, thích thú, chăm chú lắng nghe. Giảng Sử cần chú ý âm lượng, có cao trào, tái hiện sự kiện, bình sự kiện bằng ngôn ngữ chủ quan của người nói đòi hỏi thầy giáo phải “nhập tâm” sâu sắc, nếu không thì trò sẽ dễ dàng đi vào cơn “buồn ngủ” khi phải “chịu đựng” những giờ học Sử nhạt nhẽo với giọng giảng đều đều ru êm!

Mỗi giờ dạy Sử trên lớp, để có được một tiết học đạt chất lượng, nghĩa là trò hiểu bài, nắm được nội dung bài và phấn khởi, sôi nổi, tích cực đóng góp xây dựng bài, thì người thầy phải khổ công vận dụng hết “nội lực” như là một diễn viên đa tài trên sân khấu. Khi thì làm người kể chuyện, có lúc tả thực, lại đến hồi phải “diễn” thật biểu cảm để làm sống động sự kiện, tái hiện nhân vật lịch sử. Đặt hết tâm huyết vào bài giảng, kết hợp với sử dụng các phương tiện, thiết bị dạy học, vận dụng tối đa kiến thức và kinh nghiệm đứng lớp, có thể nói để có một giờ dạy Sử thành công cần phải có cả một sự đầu tư rất công phu của người thầy.

Giảng dạy, truyền thụ kiến thức đã vậy, việc đánh giá năng lực học tập môn Sử của học sinh lại cũng là một sự chuyên tâm của người thầy. Không như các môn khoa học tự nhiên, đề kiểm tra, đề thi môn Sử rất hạn chế phần trắc nghiệm, cơ bản là tự luận nên để đánh giá đúng năng lực của học sinh, thầy phải nhọc công nhiều trong việc xây dựng đáp án, chấm bài, nhận xét cho từng học sinh…

Và để có học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi môn Sử các cấp, thầy cần “chiêu mộ” được những trò giỏi thật sự từ trong các lớp chọn của trường, là những em thực sự đam mê, có nguyện vọng, tự giác chọn môn Sử, chứ không phải “nhận cho đủ số” những em không đạt yêu cầu các môn khác, đành quay qua “miễn cưỡng” chọn Sử!

Và sự nỗ lực của trò

Muốn học giỏi Sử, điều quan trọng nhất ở trò là sự đam mê, kế là chuyên cần. Có đam mê mới chịu khó học, đọc, tìm hiểu, tra cứu để biết được nhiều, hiểu được sâu và nắm bắt kiến thức một cách vững chắc. Từ đam mê mới thấy được sự thú vị, hấp dẫn của môn học. Với môn học này cũng có thể “lấy cần cù bù thông minh”, trò nào siêng năng, chăm chỉ, cố công thì sẽ đạt được kết quả mong muốn. Sự nhẫn nại, kiên trì cũng là tố chất quan trọng của những học sinh “dũng cảm” chọn Sử làm môn thi Học sinh giỏi các cấp. Thành quả đạt được chính là sự tích lũy từng chút, từng chút một trong một khoảng thời gian dài, với một lượng kiến thức nhiều, thậm chí dàn trải, mênh mông. Sự nỗ lực cần phải bền bỉ, dẻo dai, không ngừng nghỉ, không xao lãng để đạt tới các mức độ: biết Sử, hiểu Sử, thích Sử và đam mê học Sử!

Để đạt được những con điểm như mong muốn trong các bài kiểm tra Sử, ngoài việc nhớ bài tốt, nắm vững kiến thức, còn đòi hỏi học sinh có tư duy tốt, có khả năng khái quát, tổng hợp, phân tích, nhận định vấn đề sắc bén cũng như năng lực trình bày, lập luận vấn đề chặt chẽ, logich.

Muốn giỏi Sử, “học” chưa đủ mà cần phải có “hành”. Không chỉ thuộc, nhớ, nắm vững nội dung bài học lý thuyết, làm tốt bài thi mà học sinh còn phải tự mình biểu đạt được, mô tả được, diễn thuyết được, phân tích, đánh giá được nội dung, ý nghĩa, diễn biến của quá trình hay nhân vật lịch sử. Để học giỏi Sử người học còn phải được tận mắt chứng kiến, xem xét các chứng cứ, tư liệu, hiện vật, mẫu vật, địa danh, di tích… có liên quan. Cho nên việc được tổ chức đi tham quan thực tế các di tích, địa danh trên địa bàn hoặc xa hơn là nhu cầu cần thiết mà các trường cần tổ chức cho học sinh.

Đến vai trò của nhà trường, các tổ chức đoàn, hội trong việc tổ chức hoạt động phục vụ học tập bộ môn Sử

Chỉ có thầy và trò không thôi thì chưa đủ. Muốn làm bật lên được những thành tích đặc biệt đối với môn Sử cho tập thể đơn vị hay cá nhân thì phải kể đến vai trò của hội, đoàn thể nhà trường trong việc tổ chức hoạt động phong trào có liên quan đến bộ môn này. Hiện nay, một số trường đã có thành lập Chi hội Khoa học Lịch sử, điều này rất thuận lợi cho việc nâng cao chất lượng dạy và học Sử. Nhà trường quan tâm chỉ đạo cho Đoàn Thanh Niên, Hội Liên hiệp Thanh niên phối hợp với Chi hội Khoa học Lịch sử tổ chức nhiều lượt hoạt động Câu lạc bộ Sử học, Ngoại khóa, hội thi, tham quan, về nguồn, tìm hiểu…cho thầy và trò cùng tham gia, từ đó mới khơi gợi được sự yêu thích đối với môn học. Tham gia các cuộc thi “Em yêu lịch sử Việt Nam”, “Tự hào Việt Nam”, “Tìm hiểu Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam”; “Tìm hiểu về chủ quyền biển đảo”; tổ chức hoạt động về nguồn “Hành trình đến địa chỉ đỏ”; chăm sóc các Di tích lịch sử ở địa phương; phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng; tổ chức hoạt động ngoại khóa dưới hình thức sân khấu hóa tái hiện các nhân vật và sự kiện lịch sử nhân các ngày lễ, kỷ niệm trong năm, tổ chức những chuyến đi tham quan các di tích lịch sử trong hoặc ngoài tỉnh; tổ chức thi thuyết trình về cuộc đời, sự nghiệp của Bác Hồ, của những anh hùng, danh nhân, nhân vật lịch sử…. Hay đơn giản hơn là tổ chức những cuộc thi tìm hiểu giúp học sinh sưu tầm tư liệu về chính ngôi trường mình đang học, về những địa danh, nhân vật, sự kiện lịch sử ở tại địa phương qua hình thức “Đố vui” dưới sân cờ …Những hoạt động “mềm” này lại chính là động lực quan trọng đưa học sinh đến gần hơn với môn Sử, làm cho các em đi từ thích thú đến ngạc nhiên không biết là mình đã say mê học Sử từ bao giờ?

Thư viện trường đẩy mạnh hoạt động phục vụ bạn đọc. Khuyến khích học sinh mượn, đọc các loại sách lịch sử. Việc Thư viện tổ chức sơ, tổng kết, biểu dương khen thưởng số lượt đọc hàng tháng, hàng quý, từng học kỳ cho tập thể lớp và cá nhân học sinh đọc sách nhiều cũng là một hình thức động viên học sinh đến gần với sách, trong đó có sách lịch sử. Cách làm này còn giúp hình thành thói quen tốt ham thích đọc sách báo, duy trì văn hóa đọc trong học sinh. Thư viện cũng thường xuyên tổ chức định kỳ các cuộc thi giới thiệu sách theo chủ đề, thi kể chuyện về cuộc đời, sự nghiệp và tấm gương đạo đức của Bác Hồ, về các nhân vật lịch sử, các tấm gương phụ nữ, thanh niên tiêu biểu… Để tham gia các cuộc thi này, học sinh buộc phải đến Thư viện tìm đọc, sưu tầm, nghiên cứu các loại tư liệu, sách báo có liên quan, nhờ đó mà vốn kiến thức lịch sử của các em cũng tăng lên.

Việc tổ chức biểu dương, tôn vinh và trao đổi kinh nghiệm từ những học sinh giỏi đạt thành tích cao các cấp môn Sử cũng là một cách làm có hiệu ứng nhanh và rõ. Không gì bằng để cho chính học sinh là người trong cuộc chia sẻ kinh nghiệm và “bí quyết” học Sử của mình. Số đông học sinh khác thấy được lợi ích trước mắt và lâu dài của bộ môn này, dần dần sẽ hết “kỳ thị” và từng bước có cách nhìn tích cực với môn Sử, từ đó nâng dần chất lượng học tập bộ môn. Còn một bộ phận học sinh nếu được bồi dưỡng lòng đam mê thì sẽ chọn môn học này cho định hướng nghề nghiệp của mình. Em Nguyễn Thanh Tuyền – học sinh Trường THPT Cao Lãnh 1, học sinh giỏi Sử giải Nhất cấp Tỉnh năm học 2013-2014, giải Nhì cấp quốc gia năm học 2014-2015, thủ khoa Đại học Tổ hợp Văn-Sử-Địa, được tuyển thẳng vào Đại học Cảnh sát Nhân dân năm 2015, được kết nạp vào Đảng CSVN năm học lớp 12, là một minh chứng hùng hồn cho học sinh nhà trường trong việc chọn môn Sử. Tiếp nối thành tích đó, Trường THPT Cao Lãnh 1 tiếp tục có 02 học sinh giỏi đạt giải cấp Tỉnh năm học 2014-2015 gồm 01 giải Nhất, 01 giải Ba; đồng thời trường cũng có 02 học sinh được Sở GD-ĐT Đồng Tháp chọn vào Đội tuyển tham dự thi Học sinh giỏi Quốc gia môn Sử năm học 2015-2016 ( em Đổ Thị Thúy Hoa và em Nguyễn Thị Thanh Dung).

Và lời kết

Lịch sử là một quá trình. Nó dài hay ngắn, khó hay dễ là tùy thuộc nhận thức của mỗi người. Biết rõ lịch sử nước nhà để tự hào mình là người Việt Nam. Hiểu rõ truyền thống lịch sử địa phương để càng thêm trân quý con người, yêu mến hơn mảnh đất mà mình đang sống. Cho nên, cần phải khơi gợi niềm đam mê học sử cho tuổi trẻ học đường. Yêu thích và hiếu biết lịch sử để các em tự trang bị cho mình vốn sống, niềm tự hào và lòng tin vào khả năng của bản thân. Thấm nhuần giá trị của lịch sử để các em thấy rõ trách nhiệm của thế hệ hôm nay là phải ra sức phát huy và gìn giữ, từ đó giúp tuổi trẻ sống tốt, sống có ích, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng đất nước.

Ngọc Điệp

GV Trường THPT Cao Lãnh 1

Share
Các tin mới:
Các tin khác: