THỐNG KÊ
Hôm nay | 2772 |
Trường thpt cao lãnh 1: những tác động của tiểu đề án 2 đối với giáo viên và học sinh trong trường học |
Thứ ba, 25 Tháng 8 2015 08:45 |
Cùng với việc tuyên truyền Đề án 343 trong toàn ngành giáo dục-đào tạo theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo cấp ngành, sau thời gian triển khai thực hiện tại đơn vị Trường THPT Cao Lãnh 1, Tiểu Đề án 2 đã có những tác động tích cực đối với giáo viên và học sinh trong nhà trường. Kết quả được thể hiện ở những mặt cụ thể như sau: Với nội dung tuyên truyền “Những phẩm chất đạo đức tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh thực hiện công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước”, Tiểu Đề án 2 đã góp phần tích cực trong việc thực hiện mục tiêu chung của nhà trường, tạo ra một khí thế mới cho môi trường sinh hoạt, học tập trong nhà trường, góp phần đáng kể nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập cho giáo viên và học sinh trong đơn vị. Trước hết, Đề án đã góp phần trực tiếp nâng cao nhận thức hiểu biết về truyền thống đạo đức tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam cho giáo viên và học sinh nữ. Thực tế, khi đưa Tiểu Đề án 2 vào nhà trường cũng giống như thêm một lần chúng ta nhìn lại và khẳng định lịch sử truyền thống của phụ nữ Việt Nam. Việc tuyên truyền những nội dung cụ thể của Đề án đã làm cho nữ giới trong trường học biết trân trọng hơn giá trị, biết tôn vinh và giữ gìn, có trách nhiệm phải phát huy truyền thống đạo đức tốt đẹp của phụ nữ VN qua các thời kỳ. Với tình hình thực tế tại đơn vị, số lượng nữ giáo viên và nữ học sinh chiếm tỉ lệ cao hơn nam giới thì việc tuyên truyền Tiểu Đề án 2 trong giai đoạn này là cần thiết, kịp thời và đúng hướng. Bởi lẽ, trong điều kiện hội nhập và phát triển như hiện nay, những tác động xã hội nhiều mặt đang có sức ảnh hưởng rõ rệt đối với thế hệ trẻ, nhất là thanh niên học sinh với đặc điểm đang trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ về tâm hồn và thể chất, họ đang sẵn sàng với những tiếp cận và dung nạp tất cả cái mới mà có khi họ chưa phân biệt hết được cái tốt, cái xấu. Trong nhà trường, các đoàn thể đang tăng cường tổ chức nhiều hoạt động phong trào, tìm tòi những cách làm, biện pháp nhằm giúp họ nhận thức đúng để chọn lọc những giá trị tích cực, loại bỏ những tác động tiêu cực ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển nhân cách và tâm hồn. Với bối cảnh đó, Tiểu Đề án 2 như một luồng gió mát đã tiếp sức thêm cho công tác giáo dục nhân cách, lối sống, giáo dục đạo đức, truyền thống cho đối tượng thanh niên trường học nói chung, cho nữ giáo viên và nữ học sinh nói riêng. Không chỉ dành riêng cho đối tượng nữ trong trường học, Đề án cũng mang nhiều ý nghĩa tích cực đối với nam giới. Đó là, giúp cho nam giới có cách nhìn đúng đắn về bình đẳng giới để sẻ chia, hỗ trợ, tạo điều kiện tốt cho nữ giới phát triển trên tinh thần nam nữ bình đẳng, không phân biệt giới tính và phát huy mạnh mẽ vai trò, vị trí của nữ giới kể cả trong gia đình và ngoài xã hội. Cụ thể ở tại trường Cao Lãnh 1, các thầy giáo và các nam sinh đã dần dần nhìn nhận đúng khả năng của nữ, quan tâm nhiều hơn đối với nữ, có trách nhiệm hỗ trợ, giúp đỡ nữ trong công tác chuyên môn, học tập, hoạt động phong trào, sẵn sàng ủng hộ và suy tôn nữ trong các vai trò quản lý nhà trường, lãnh đạo đảng, đoàn thể, đánh giá đúng thành tích và sự cống hiến của nữ trong thi đua, mạnh dạn xem xét đề bạt, đào tạo bồi dưỡng cán bộ nữ kế cận… Khi Đề án được triển khai tại đơn vị, đã giúp cho việc trang bị kiến thức về những phẩm chất đạo đức mới của phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh thực hiện công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước “Tự tin – Tự trọng – Trung hậu – Đảm đang” đến được với tất cả đối tượng trong nhà trường. Không chỉ tạo sức ảnh hưởng đến giáo viên và học sinh trong nhà trường là đối tượng tuyên truyền trực tiếp, sức lan tỏa của Đề án còn đến được với cả phụ huynh, các bậc cha mẹ học sinh nhờ sự tuyên truyền gián tiếp. Thông qua con em mình, các bậc cha mẹ cũng thấu hiểu được cơ bản tinh thần của phẩm chất đạo đức mới phụ nữ Việt Nam, để hỗ trợ cho họ trong công tác kết hợp giáo dục thế hệ trẻ của ba môi trường: gia đình – nhà trường – xã hội. Vậy, cũng có thể xem như đây là một “kênh” để Tiểu Đề án 2 từ trong nhà trường góp phần tác động rộng rãi đến các ngành, các giới, hòa chung cùng công tác tuyên truyền Đề án 343 trong các lĩnh vực của toàn xã hội. Với nội dung tuyên truyền những phẩm chất đạo đức mới, Đề án đã góp phần định hình và xây dựng hình ảnh người phụ nữ hiện đại trong ngành giáo dục, đáp ứng được yêu cầu của công cuộc đổi mới và hội nhập. Đó là định hình được về tiêu chuẩn của những nữ cán bộ quản lý, nữ giáo viên, nhân viên có đủ tri thức, có đủ năng lực, trình độ, có bản lĩnh, biết chủ động, tích cực, có lòng nhân ái, vị tha, có thái độ và kỹ năng sống tích cực để cống hiến và hòa nhập với môi trường giáo dục đang có nhiều đổi mới và phát triển như hiện nay. Đề án đã góp phần giáo dục đạo đức, nhân cách, lối sống cho giáo viên và học sinh nữ theo hướng lưu giữ các giá trị truyền thống tốt đẹp và dung nạp thêm những giá trị hiện đại phù hợp. “Công, dung, ngôn, hạnh” là các chuẩn mực căn bản cần cho phụ nữ mọi thời đại. Tính năng động, bản lĩnh và tự tin là những phẩm chất mới mà nữ giáo viên và nữ học sinh trong nhà trường cần vươn tới để hòa nhập tốt với xu thế phát triển chung. Nhờ đó, đã tạo được thói quen tốt về việc chấp hành, tuân thủ những quy định chung, hình thành nề nếp sinh hoạt, làm việc, học tập đúng đắn, hình thành nếp ứng xử văn minh, rèn luyện tấm lòng nhân hậu, thủy chung, vị tha, xây dựng lối sống văn hóa, lành mạnh, tinh thần cộng đồng, vì mọi người. Một tác động thấy rõ của Đề án là giáo dục được thái độ, động cơ học tập đúng đắn cho học sinh; giúp các em xác định được mục tiêu học tập, định hướng nghề nghiệp trong tương lai, để từ đó ra sức phấn đấu nhằm đạt kết quả học tập tốt nhất. Cũng từ việc nhận thức đúng mục đích đến trường mà các em có ý thức tốt, có tác phong, ngôn phong chuẩn mực, lễ phép, biết tôn trọng người lớn, cư xử thân ái, chan hòa với bạn bè và có ý thức chủ động xây dựng môi trường học tập tốt cho mình. Các em biết tự giác, tình nguyện tham gia lao động, trồng cây xanh, chủ động trang trí lớp học, giữ vệ sinh trường lớp, tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện ở địa phương. Như vậy, Đề án cũng đã góp phần xây dựng môi trường sư phạm lành mạnh, văn minh, xây dựng đơn vị văn hóa, gia đình tiến bộ, hạnh phúc, bình đẳng. Việc tuyên truyền Tiểu Đề án 2 còn giúp hỗ trợ cho việc dạy học tích hợp kiến thức, dạy học liên môn theo yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học hiện nay. Giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn thông qua xây dựng kế hoạch dạy học, thông qua tiết dạy trên lớp các môn học xã hội như môn Ngữ văn, Giáo dục công dân, thông qua các hoạt động ngoại khóa, giáo dục ngoài giờ lên lớp đã lồng ghép tuyên truyền phổ biến pháp luật về bình đẳng giới, luật Hôn nhân gia đình, Vì sự tiến bộ phụ nữ, tìm hiểu về lịch sử truyền thống đạo đức phụ nữ Việt Nam…. để giáo dục cho học sinh, đáp ứng yêu cầu giáo dục toàn diện, trang bị kiến thức xã hội cho học sinh đủ tự tin để hòa nhập với xã hội khi các em rời ghế nhà trường. Chính nhờ việc quan tâm công tác tuyên truyền, tổ chức các hình thức hoạt động nhằm chuyển tải nội dung Đề án mà đã tạo ra nhiều hoạt động phong trào sôi nổi trong trường học, tạo môi trường tốt cho sự phát triển, trưởng thành và tiến bộ toàn diện của giáo viên và học sinh nữ. Từ năm 2010 đến nay, đơn vị đã có 22 lượt giáo viên nữ và 09 lượt học sinh nữ được kết nạp vào Đảng. Thông qua đó cũng làm phong phú thêm nội dung hoạt động của Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Thanh niên, Ban Nữ công và Công đoàn cơ sở trong trường học. Thật vậy, do có cùng đối tượng nên thông qua việc tổ chức hoạt động lồng ghép, các tổ chức đoàn, hội trong nhà trường đều thâm nhập được sâu sắc với yêu cầu, tính chất, nội dung của Tiểu Đề án 2 để phối hợp tuyên truyền đến đối tượng của mình một cách hiệu quả. Một thành công khác của việc tuyên truyền Đề án là góp phần hạn chế tình trạng vi phạm nội quy, nề nếp, bạo lực học đường trong học sinh nói chung, trong học sinh nữ nói riêng. Do ý thức được vai trò, vị trí của người phụ nữ, của nữ sinh viên-học sinh trong sự nghiệp công nghiệp hóa-hiện đại hóa, từ chổ nhận thức đúng chức năng, nhiệm vụ của mình, các em nữ sinh đã có sự trưởng thành và chín chắn hơn trong giao tiếp, đúng mực hơn trong ứng xử, biết giữ gìn hình ảnh của cá nhân và đơn vị, tránh xa các vi phạm về tệ nạn xã hội, trật tự học đường. Những trường hợp xích mích cá nhân hay nữ sinh đánh nhau trong trường đã giảm hẳn. Cũng như góp phần hạn chế và chấm dứt hẳn tình trạng vi phạm đạo đức nhà giáo, đạo đức lối sống trong đội ngũ giáo viên nữ. Xét về mức độ tổng thể, Đề án đã góp công không nhỏ trong việc nâng cao kết quả phong trào thi đua dạy và học cũng như hoạt động của các đoàn thể trong nhà trường. Thông qua thực hiện Đề án, có nhiều cá nhân và tập thể tiêu biểu nữ giáo viên và nữ học sinh được tập thể suy tôn, bình chọn. Thành tích thi đua của đơn vị cũng được nâng lên trong những năm gần đây. Năm học 2014-2015, chất lượng giảng dạy chung của trường đứng đầu so với các trường THPT trong huyện, đứng thứ 7 so với toàn tỉnh. Kết quả Kỳ thi THPT quốc gia năm 2015, trường đạt tỉ lệ 96,98%, cao hơn mặt bằng chung của tỉnh và toàn quốc. Tóm lại, qua 5 năm thực hiện Tiểu Đề án 2, đơn vị Trường THPT Cao Lãnh 1 đã xây dựng được nề nếp về công tác tuyên truyền và tổ chức thực hiện các phong trào hoạt động nhằm cụ thể hóa nội dung của Đề án. Với ý nghĩa quan trọng và tính chất cần thiết đối với đối tượng giáo viên và học sinh, Đề án đã được sự hưởng ứng của đông đảo cán bộ, giáo viên và học sinh trong nhà trường, cũng như được lãnh đạo đơn vị thống nhất cao về quan điểm chỉ đạo để hỗ trợ và tạo điều kiện tốt cho việc tổ chức hoạt động. Có thể ví Đề án như một sân chơi mới bổ ích và thú vị, thu hút sự quan tâm của cả thầy và trò để nhằm đạt tới ngưỡng giá trị tinh thần vô cùng quan trọng là: hình thành nhân cách, tư tưởng và lối sống tốt đẹp cho tuổi trẻ học đường. Đề án cũng có thể được xem là một phương tiện hữu ích cho đội ngũ cán bộ, giáo viên trong nhà trường ra sức rèn luyện năng lực và phẩm chất đạo đức nhà giáo, nâng cao trình độ kiến thức, kỹ năng, nhằm không ngừng hoàn thiện hình ảnh của người thầy đứng trên bục giảng, tạo lòng tin cho các em học sinh, các bậc phụ huynh và đáp ứng yêu cầu của xã hội về việc thực hiện chức năng cao quý của người thầy trong sự nghiệp trồng người. Phát huy những thành quả của giai đoạn 2010-2015, thiết nghĩ sắp tới cần tiếp tục duy trì và đẩy mạnh thực hiện Tiểu Đề án 2 trong trường học với những tiêu chí cụ thể hơn cho phù hợp với yêu cầu đổi mới của ngành giáo dục và của toàn xã hội trong giai đoạn mới. Theo đó, Ban chỉ đạo các cấp cần có đúc kết kinh nghiệm thực tiễn từ cơ sở, xây dựng mô hình tổng thể cho mỗi cấp lớp, mỗi đối tượng trong ngành giáo dục ( mầm non, tiểu học, THCS, THPT, CĐ-ĐH…). Trên tinh thần phát huy tính sáng tạo của cơ sở trong quá trình thực hiện cho phù hợp với điều kiện cụ thể từng nơi và đánh giá kết quả thực hiện Tiểu Đề án hàng năm thông qua kết quả thực hiện mục tiêu nhiệm vụ chính trị của từng đơn vị cơ sở. Việc trao đổi thông tin, bổ sung kinh nghiệm hay, cách làm mới trong quá trình thực hiện là rất cần thiết. Do vậy, Ban chỉ đạo ngành giáo dục cần quan tâm cung cấp, phổ biến, tạo điều kiện mở rộng, cập nhật nhanh tình hình và kết quả thực hiện cho các đơn vị trực thuộc thông qua tổ chức giao ban theo cụm trường hoặc cụm Phòng GD-ĐT. Quan tâm công tác truyền thông để Đề án luôn được “nhắc nhớ” trong tình hình cơ sở ngày càng nặng nề về công tác chuyên môn, có thể liên kết với cơ quan báo, đài địa phương định kỳ xây dựng tiết mục hoặc tin, bài nhằm tuyên truyền, phổ biến thường xuyên về Đề án, vừa tuyên truyền rộng rãi đến nhiều giới, nhiều ngành vừa tạo sự hưởng ứng đồng thuận của xã hội, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công tác tuyên truyền nội dung Đề án.
Ngọc Điệp - Giáo viên Trường THPT Cao Lãnh 1 Các tin khác:
|